Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm rõ nhiều vấn đề “nóng”

Hà Phong| 19/04/2017 06:31

(HNM) - Ngày 18-4, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và một số bộ trưởng đã làm rõ nhiều vấn đề "nóng" mà đại biểu Quốc hội quan tâm như: Giải pháp nào xử lý tin nhắn rác, các cá nhân, tổ chức đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang dư luận; hồ sơ người có công tồn đọng nhiều năm không được giải quyết và công tác quản lý người cai nghiện…

Lạm dụng việc đưa người đi cai nghiện

Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Đặt câu hỏi đầu tiên, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Lạng Sơn) đề cập tình trạng học viên cai nghiện trốn trại tập thể, gây bất ổn xã hội; đồng thời đề nghị Bộ trưởng nêu rõ nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Liên quan đến ý kiến cử tri về hệ thống cơ sở đào tạo nghề lớn, chất lượng đào tạo chưa cao, ĐB Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi) và một số ĐBQH đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này và đâu là giải pháp khắc phục? ĐB Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) quan tâm đến việc xử lý hồ sơ người có công bị tồn đọng, nhưng thiếu giải pháp tháo gỡ.


Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Thừa nhận những vấn đề nêu trên là bức xúc, nhất là tình trạng học viên bỏ trốn ở một số tỉnh, thành trọng điểm phía Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh một số nguyên nhân như: Việc thực hiện cai nghiện bắt buộc ở một số địa phương chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện còn hạn chế, dẫn đến quá tải; các cơ sở cai nghiện có 35-45% học viên có tiền án, tiền sự và số này dễ quá khích, lôi kéo học viên vượt ra ngoài. Tuy vậy, chế tài xử lý không có ngoài việc cơ sở cai nghiện phải có trách nhiệm vận động học viên quay trở lại.

Về công tác đào tạo nghề, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận, vẫn có những trường dạy nghề xây to nhưng đồ dùng dạy nghề “đắp chiếu”. Vì thế, Bộ đang rà soát toàn bộ mạng lưới cơ sở đào tạo; khuyến khích mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín; không thành lập mới những trường công lập mà không cam kết lộ trình tự chủ và chỉ đào tạo nghề khi dự báo được việc làm và thu nhập cho người lao động.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Thị Yến Linh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, vẫn còn tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi từ chính sách người có công, song sẽ làm cẩn thận, công khai minh bạch, đặc biệt coi trọng ý kiến các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh để ngăn chặn trục lợi chính sách. Trong 3 năm gần đây, Bộ đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương kiểm tra, phát hiện gần 1.900 trường hợp hưởng sai chính sách.

Về quy tập, xác định danh tính liệt sĩ, Bộ trưởng khẳng định đây là việc làm được đặc biệt quan tâm. Chúng ta còn khoảng 200.000 liệt sĩ đang nằm rải rác ở nhiều nơi chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 để thực hiện chỉ đạo, tổ chức quy tập mộ liệt sĩ... Về giải quyết hồ sơ chính sách còn tồn đọng, trong năm 2017, Bộ sẽ tập trung giải quyết 5.900 hồ sơ đã kê khai đề nghị công nhận là liệt sĩ, thương binh, hưởng chính sách như thương binh...

Cung cấp thông tin sai - truy cứu trách nhiệm hình sự

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã trả lời 13 lượt chất vấn. Theo đánh giá của ĐB Quốc hội, những nỗ lực của Bộ trong quản lý thông tin trên mạng, an ninh mạng rất đáng ghi nhận. Song vẫn còn tình trạng tin nhắn rác, một số trang thông tin điện tử cho phép người dùng đăng tải nhiều bài có nội dung xuyên tạc gây hoang mang dư luận. Việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế. Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Việt Nam nằm trong danh sách tốp đầu các quốc gia có nguy cơ về mất an toàn thông tin nhưng nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình, thao tác chuẩn để ứng phó khi sự cố xảy ra.

Bộ trưởng Bộ TT-TT đã trả lời thẳng từng vấn đề ĐB nêu. “Trong trường hợp xác định các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân trong nước cung cấp nội dung thông tin sai phạm, thì tùy mức độ, Bộ TT-TT sẽ áp dụng hình thức xử lý kịp thời. Vi phạm mức độ nhẹ thì nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Vi phạm nặng có thể xem xét thu hồi giấy phép, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự” - Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định. Đối với thông tin sai phạm được cung cấp từ bên ngoài (trang tin phản động từ nước ngoài) thì việc xử lý phức tạp hơn, đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành, địa phương. Về phần mình, Bộ đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm. Chỉ trong quý I-2017, Bộ đã xem xét, xử lý 16 cá nhân và doanh nghiệp; ban hành 10 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 400 triệu đồng.

Về xử lý báo đăng thông tin sai sự thật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, việc này được tiến hành thường xuyên. Với nội dung quảng cáo, có một nghịch lý là cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo là Bộ VH-TT&DL, song hầu hết những vấn đề chủ yếu trong quảng cáo và phương thức quảng cáo (báo, tạp chí, trang thông tin điện tử…) lại do Bộ TT-TT quản lý, cấp phép. Nội dung quảng cáo một số sản phẩm hàng hóa lại do các cơ quan quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm. Thực trạng này đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, xây dựng các nội dung hướng dẫn việc quảng cáo trên báo chí, phương tiện điện tử phù hợp với tình hình thực tế.

Phát biểu kết thúc toàn bộ phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các ĐB Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành, đề xuất các giải pháp tháo gỡ những bất cập còn tồn tại. Từ đó góp phần cùng Quốc hội, Chính phủ giải quyết những vấn đề nảy sinh, đáp ứng yêu cầu của cử tri và nhân dân cả nước.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ nhiều vấn đề “nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.