Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 14: Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị

Phong Thu| 25/04/2017 06:33

(HNM) - Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật trên nhiều lĩnh vực, song cũng còn không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển do thiếu cơ chế, chính sách đặc thù dành cho một đô thị đặc biệt.


Hạ tầng giao thông của Hà Nội đang quá tải do gia tăng dân số cơ học và phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Thái Hiền


Yêu cầu cấp bách

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020” và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực, song cũng còn không ít khó khăn, hạn chế.

Một trong những khó khăn mà Hà Nội đang phải đối mặt là tốc độ đô thị hóa không theo kịp tăng trưởng kinh tế cũng như tăng dân số cơ học, dẫn đến quá tải về hạ tầng. Tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố còn quá thấp, mới đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị (theo quy định phải đạt 20-26%). Diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chưa đến 1% đất xây dựng đô thị (theo quy định là 3-5%). Điều đó dẫn đến các vấn đề bức xúc như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội... Trong khi đó, việc mở rộng các tuyến đường trong nội đô rất khó khăn, chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng rất lớn, gây sức ép lên ngân sách của thành phố. Hiện nguồn lực ngân sách thành phố mới chỉ đáp ứng 20% tổng nhu cầu đầu tư, 80% còn lại phải huy động từ xã hội trong khi các cơ chế về nguồn vốn đầu tư từ xã hội chưa theo kịp tình hình phát triển. Từ thực tế này cho thấy, mô hình quản lý hành chính nhà nước của Hà Nội hiện còn nhiều bất cập.

Là một đô thị đặc biệt, Hà Nội cần có mô hình quản lý hành chính nhà nước phù hợp. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, Nghị quyết 11-NQ/TƯ và Luật Thủ đô đã trao cho Hà Nội nhiều cơ hội để khẳng định là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước. Mặc dù thành phố đã có 14 nghị quyết chuyên đề và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành, song vẫn chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đặc thù so với các địa phương khác.

Chung quan điểm này, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, việc thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 11-NQ/TƯ và Luật Thủ đô chưa được nhiều. Luật Thủ đô tuy giao cho Hà Nội thẩm quyền được ban hành các nghị quyết chuyên đề để thực hiện, song quá trình xây dựng nghị quyết phải xin ý kiến các bộ, ban, ngành trung ương nên Hà Nội chưa thực sự có được cơ chế chính sách mang tính đặc thù, là “phương tiện” để hỗ trợ cho quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, một số nội dung quan trọng của Luật Thủ đô cần quy định chi tiết chưa được ban hành; còn thiếu cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị các huyện, thị xã nằm trong quy hoạch xây dựng 5 đô thị vệ tinh.

Thời cơ chín muồi

Tại hội nghị Thành ủy Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô (diễn ra ngày 3-4), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề xuất cho thành phố lập đề án xây dựng chính quyền đô thị, bởi đây là xu thế tất yếu mà các quốc gia phát triển đã làm nhiều năm và thành công. Bản chất của mô hình này là nhằm phân biệt cách thức tổ chức chính quyền ở đô thị và nông thôn, đơn giản hóa hơn về tổ chức chính quyền ở đô thị mà vẫn bảo đảm đại diện cho quyền, nghĩa vụ của người dân.

Với điều kiện hiện nay, Hà Nội đã đáp ứng đủ điều kiện để Trung ương xem xét ban hành nghị quyết chuyên đề cho phép được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực: Các quy hoạch chung đô thị; xây dựng, nhà ở xã hội; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án... Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Hà Nội cần được xây dựng cơ chế đặc thù, tăng cường phân cấp quản lý, hỗ trợ đầu tư... mạnh mẽ hơn nữa.

Xây dựng chính quyền đô thị là để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện vai trò quản lý hành chính nhà nước, giải quyết các vấn đề phát sinh kịp thời hơn; từ đó sẽ nâng cao chất lượng sống của người dân. Nhiều ý kiến kiến nghị, từ thực tiễn thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ và Luật Thủ đô cho thấy, đây là thời điểm phù hợp Hà Nội thí điểm xây dựng đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Bên cạnh việc tiếp tục chủ động, kiên trì trong phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu, đề xuất Trung ương cho phép xây dựng chính quyền đô thị phù hợp, gắn với các cơ chế đặc thù của Thủ đô, TP Hà Nội đã, đang và sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và thu hút nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao vào bộ máy quản lý, điều hành… tạo tiền đề xây dựng chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 14: Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.