Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng

Bảo Hân - ảnh: Bùi Việt| 05/07/2017 13:24

(HNMO) - Kết thúc phiên chất vấn sáng 5-7, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, việc lựa chọn vấn đề tái chất vấn đã đúng với nguyện vọng của cử tri, đúng yêu cầu của TP, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Đại biểu "truy" trách nhiệm về các sai phạm trật tự xây dựng


Mở đầu phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư HĐND TP, ĐB Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm) cho biết, hiện nay trên địa bàn TP có 985 công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, dù thanh tra xây dựng đã lập hồ sơ vi phạm. Nhiều công trình đã được Chủ tịch UBND TP chỉ đạo kiểm tra xử lý nhưng đến nay vẫn tồn tại.  ĐB đề nghị UBND TP làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của chính quyền các cấp, giải pháp chỉ đạo của TP thời gian tới để giải quyết dứt điểm.


ĐB Vũ Ngọc Anh (Nam Từ Liêm).


Dẫn chứng nhiều quận, huyện để xảy ra các vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên đất nông nghiệp, ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng và chủ tịch một số quận, huyện nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, biện pháp xử lý trong thời gian tới.

ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng.


ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hoàng Mai) nhận định, hiện nay vi phạm TTXD không chỉ xảy ra ở các khu nhà ở dân cư mà còn ở tại các khu đô thị đã phê duyệt quy hoạch 1/500. Qua giám sát, tình trạng xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng một số nhà, đất thành nhà ở, chia lô, chia ngăn... khiến cử tri bức xúc. "Vậy trách nhiệm của các sở ở đâu, giải quyết dứt điểm các tồn tại này như thế nào để không tái phát?" - ĐB Nam nêu câu hỏi.


Hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy cơ sở ở một số nơi yếu kém

Trả lời tại phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng khẳng định, tình hình vi phạm TTXD vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến công tác quản lý của UBND TP.


Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng.


"Chúng ta có cố gắng, có tập trung nhưng thực hiện chưa được nhiều, thể hiện ở việc những sai phạm cũ xử lý chưa triệt để, phát sinh ra cái mới. Cái mới này xử lý rất chậm. Đặc biệt, chúng ta nhận dạng thêm, trước đây vi phạm chủ yếu ở các đô thị, quận, huyện, gần đây xuất hiện ở đất nông nghiệp, đất công ở ngoại ô, vùng nông thôn, đặc biệt ở cả hành lang an toàn đê điều, điện lực..." - Phó Chủ tịch UBND TP nêu thực trạng.

Về phía thẩm quyền, trách nhiệm của UBND TP, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng nêu, khi có bất cứ thông tin nào về công trình vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, UBND TP lập tức có chỉ đạo xuống đơn vị, địa phương yêu cầu xử lý nghiêm; thậm chí  các phản ảnh qua tin nhắn của nhân dân cũng đều được UBND TP trực tiếp xử lý hoặc chuyển tới lãnh đạo địa phương giải quyết.

Theo Phó Chủ tịch, nguyên nhân của tình trạng vi phạm TTXD vẫn chưa được khắc phục triệt để là do chất lượng bộ máy quản lý, cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn còn yếu, chưa đạt yêu cầu, bộ phận tham mưu với chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm chưa kiên quyết... Ngoài ra, các chủ đầu tư và một bộ phận người dân còn chưa có ý thức chấp hành quy định pháp luật; nhiều trường hợp dù hiểu biết pháp luật, được tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm.

Để kiện toàn lại bộ máy quản lý các địa phương trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị Chủ tịch các quận, huyện tiếp tục sàng lọc bộ máy, lựa chọn người lãnh đạo, bộ máy thanh tra để giải quyết hiệu quả vấn đề. Ngoài ra, các địa phương phải kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư có vi phạm, các đơn vị quản lý để xảy ra vi phạm. Với sai phạm nghiêm trọng, liên tục của chủ đầu tư, đề nghị các địa phương chuyển sang cơ quan công an xem xét xử lý.

Địa phương giải trình về những sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý

Liên quan đến một số sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Đông Anh, ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn huyện có gần 10.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 8.000 ha được quy hoạch phục vụ phát triển đô thị đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm.

Trong quá trình phát triển, do chưa đồng bộ, một số khu vực đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch đô thị bị chia cắt, khó canh tác và thu hẹp dần, trong khi các khu đô thị mới chưa hình thành kịp, dẫn đến quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, việc làm chưa kịp thời, chuyển đổi tự phát ngày càng cao, làm phát sinh vi phạm đất đai. Ngoài ra, việc quản lý nhà nước ở một số thôn, xã còn yếu kém, dẫn đến vi phạm xảy ra trên địa bàn hai xã Hải Bối và Nguyên Khê.

"Những vi phạm đó, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cán bộ chuyên môn, chính quyền cơ sở có thời điểm đã buông lỏng quản lý, không phát hiện kịp thời sai phạm ngay từ đầu và khi phát hiện không xử lý kiên quyết, ngoài ra còn có một phần trách nhiệm của cấp huyện trong kiểm tra, đôn đốc giải quyết dứt điểm vi phạm" - ông Châm cho biết.

Ông Châm cũng cam kết, với sai phạm ở xã Nguyên Khê, từ nay đến 15-7, huyện sẽ hoàn tất xử lý. Với vi phạm tại xã Hải Bối, do quá trình vi phạm tích tụ từ trước năm 2000, hiện nay huyện đang chỉ đạo thanh tra, củng cố hồ sơ phân loại để tập trung giải quyết trong 6 tháng cuối năm, nhằm lập lại trật tự kỷ cương ở khu vực này.

Về sai phạm tại huỵên Mê Linh, Chủ tịch UBND huyện Đoàn Văn Trọng cho biết, trong năm 2016, huyện đã đình chỉ nhiệm vụ Chủ tịch xã Tiến Thắng và Tiến Thịnh do để xảy ra vi phạm.

"Do việc tuyên truyền từ huyện xuống xã chưa sâu, chưa quyết liệt nên trong 6 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn huyện còn để xảy ra 59 công trình vi phạm, nằm rải rác ở 16 xã, thị trấn. Tuy nhiên, huyện đã tập trung xử lý rất nhanh 38 công trình (chủ yếu là lều tạm). Trong 38 công trình này có 30 trường hợp người dân tự tháo dỡ, 8 hộ xã cưỡng chế. 21 công trình còn lại trong tháng 8 tới huyện sẽ xử lý xong và không để phát sinh vi phạm mới" - ông Trọng đưa ra cam kết.

Chủ tịch UBND huyện cũng khẳng định sẽ đình chỉ nhiệm vụ chủ tịch xã nếu không giải quyết được vi phạm. Đây là một trong những giải pháp mà huyện đã áp dụng thời gian qua trong xử lý các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.


Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn.


Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn báo cáo, năm 2016, qua kiểm tra 696 công trình trên địa bàn huyện đã phát hiện 137 công trình vi phạm. Huyện đã xử lý xong 122 công trình, còn tồn 15 công trình. 6 tháng đầu năm 2017, huyện tiếp tục chỉ đạo xử lý được 10 công trình. 5 công trình còn lại đang được tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện đã kiểm tra 356 công trình, phát hiện 77 công trình có vi phạm, 70 công trình trong số này đã xử lý dứt điểm. 

"Trong giao ban hằng tuần, huyện đều yêu cầu Đội thanh tra xây dựng phải báo cáo quá trình kiểm tra vi phạm, có biện pháp xử lý ngay trong tuần, không để tồn đọng; đồng thời giao Văn phòng tổng hợp từ các kênh khác để cùng kiểm tra giám sát lại Đội thanh tra xây dựng. Biện pháp này được triển khai từ tháng 11-2016 đến nay nên các vi phạm xảy ra đến đâu, được xử lý dứt điểm đến đó, không để tồn đọng. Khi xử lý những công trình này, lãnh đạo xã nào còn chần chừ, đích thân Chủ tịch huyện xuống kiểm tra, yêu cầu xử lý và báo cáo kết quả" - ông Vũ Văn Nhàn cho biết.


Xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm

Phát biểu kết luận các nhóm vấn đề tái chất vấn trong sáng nay, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, các nhóm vấn đề được đưa ra tại phiên chất vấn hôm nay đã được chất vấn và tái chất vấn nhiều kỳ, có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, đô thị có nơi còn gia tăng.

Gần 20 ý kiến chất vấn, trao đi đổi lại, sự tham gia trả lời của nhiều thành viên UBND TP và lãnh đạo các địa phương đã cho thấy việc lựa chọn nhóm vấn đề này là đúng với nguyện vọng của cử tri, đúng yêu cầu của TP, đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đặt ra.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc.


Chủ tịch HĐND TP khẳng định, UBND TP đã nghiêm túc và kịp thời triển khai các kết luận của HĐND. Với 22 đầu việc trong kết luận ngày 15-12-2016, ngày 1-1-2017, UBND TP có văn bản phân công đến từng cấp, từng ngành, có người phụ trách, người thực hiện, thời gian thực hiện. Sau đó, theo lĩnh vực, các đồng chí Phó Chủ tịch và lãnh đạo các sở, ngành cũng có kế hoạch triển khai cụ thể. Nhờ vậy, các lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có chuyển biến tích cực.

Với những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong quản lý, xử lý vi phạm TTXD, Chủ tịch HĐND TP yêu cầu UBND TP căn cứ vào kết luận của HĐND, các cuộc giám sát để phân công, phân nhiệm, tìm giải pháp tích cực hơn trong thời gian tới; đặc biệt, phải nâng cao chất lượng kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm người đứng đầu, giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch các quận, huyện, xã, phường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem xét trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.