Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị

Minh Huệ - Ảnh: Bá Hoạt| 06/10/2017 12:05

(HNMO) - Sáng nay (6-10), Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị...


Thu BHXH, BHYT 5 năm đạt hơn 108.508 tỷ đồng

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 17-4-2013, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 19-CTr/TU về công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn thành phố, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 55% số người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, 45% lực lượng lao động tham gia BHTN, 85% dân số tham gia BHYT.

Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hưởng ứng, đồng thuận và đạt được một số kết quả tích cực. Trước hết, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp trong toàn thành phố về BHXH, BHYT đã được nâng lên; coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là một tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị.


Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện, số người tham gia BHXH, BHYT tăng qua các năm; quyền lợi của người tham gia BHYT, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô từng bước được cải thiện. Quỹ BHYT bước đầu đã cân đối được thu chi. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát luôn được quan tâm chú trọng.

Việc giải quyết đơn thư, tiếp công dân được thực hiện kịp thời, đúng quy định, không để tồn đọng, những thắc mắc của công dân được giải đáp thỏa đáng. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành được đẩy mạnh.

Công tác thu, chi bảo đảm được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, qua đó đã tạo nên sức mạnh, động lực để từng cán bộ, đảng viên và nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.

Theo báo cáo của BHXH thành phố, hằng năm, Hà Nội luôn hoàn thành chỉ tiêu thu BHXH, BHYT, BHTN do Chính phủ và BHXH Việt Nam giao, bảo đảm năm sau cao hơn năm trước. Tổng số thu BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố trong 5 năm qua đạt hơn 108.508 tỷ đồng (từ năm 2013 đến tháng 7-2017), tăng hơn 93.175 tỷ đồng so với năm 2012.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy vẫn còn một số hạn chế.

Đáng chú ý, dù BHXH thành phố đã triển khai nhiều biện pháp thu nợ nhưng đến hết tháng 7-2017, tổng số tiền nợ BHXH là 3.378 tỷ đồng (chiếm 10,1% kế hoạch thu); tuy số tiền nợ BHXH giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng Hà Nội vẫn là địa phương có tỷ lệ nợ cao nhất cả nước.

Trong đó, 23.955 doanh nghiệp nợ với số tiền 2.612 tỷ đồng (chiếm 77,3% tổng số nợ BHXH), ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 334.694 lao động.

Đặc biệt có 4.569 doanh nghiệp ngừng giao dịch, đơn phương chấm dứt giao dịch, bỏ trốn, mất khả năng thanh toán, phá sản, giải thể với số tiền 478,8 tỷ đồng (chiếm 18,3% tổng số nợ của doanh nghiệp). Đến nay, chưa có phương án xử lý nợ đối với những doanh nghiệp này và giải quyết chế độ của người lao động.

Tạo điều kiện để trẻ em phát triển toàn diện

Sau khi có Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-6-2013; UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 2-10-2013 triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trước hết, việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp xác định trong Chỉ thị được các cấp ủy quan tâm thực hiện, được chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cụ thể hóa trong kế hoạch, đề án, chương trình và được triển khai thực hiện nghiêm túc.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phát biểu kết luận hội nghị.


Công tác tuyên truyền, giáo dục vận động trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được thực hiện nền nếp, với nhiều hình thức phong phú đã tạo được sự đồng thuận và cam kết trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng, gia đình và chính bản thân trẻ em trong việc triển khai và tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình, quyết định, kế hoạch của Chính phủ và thành phố về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn thành phố 5 năm qua.

Công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đã được thực hiện kịp thời, hiệu quả, bảo đảm 100% trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua BHYT; 92% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm dần theo từng năm (hiện còn 13,6% trong khi chỉ tiêu đặt ra đến năm 2015 là 16,5%).

Đồng thời, chương trình mục tiêu tiêm chủng mở rộng, hằng năm duy trì đầy đủ 8 loại vắc-xin phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 99%; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học nhà trẻ ít nhất đạt 35%, mẫu giáo đạt 95%; tỷ lệ huy động trẻ đi học đúng độ tuổi (6-11 tuổi) đạt 100%; tỷ lệ trẻ em THCS nhập học đúng độ tuổi đạt 99,97%; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp đạt 99,8% (chỉ tiêu đặt ra là bảo đảm 95%)…

Sự đầu tư ngân sách cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và mở rộng xã hội hóa huy động nguồn lực cho Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, các quỹ từ thiện có liên quan đến trẻ em đã hỗ trợ hiệu quả cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần vào kết quả chung của công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, công tác quản lý một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em năm 2016 còn bất cập, chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra; chính sách của nhà nước đối với một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa đáp ứng được nhu cầu của các em, vì vậy ảnh hưởng đến việc thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em theo luật định. Trong một số trường hợp, có lúc, có nơi, việc giải quyết các vụ việc và can thiệp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại, lạm dụng chưa kịp thời.

Những nhiệm vụ trong thời gian tới

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho rằng, mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Chỉ thị 20-CT/TW vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới... Bởi, Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị là những chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị, xã hội.

Thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền thành phố cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên. Đồng thời, tiếp tục quán triệt sâu rộng hơn nữa Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong toàn thành phố.

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị.


Cấp ủy các cấp chỉ đạo UBND các cấp căn cứ phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa đổi những nội dung không còn phù hợp trong các văn bản hiện hành; rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT; về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế huy động nguồn tài chính từ ngân sách thành phố, nguồn viện trợ, các quỹ từ thiện… để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên, vùng núi, vùng xa trung tâm tham gia các loại hình BHYT phù hợp; khuyến khích người dân tham gia BHYT một cách tự nguyện, thường xuyên, dài hạn, hạn chế tình trạng người bị ốm đau mới mua BHYT.

Đồng thời, cấp ủy các cấp chỉ đạo UBND các cấp tăng cường kiểm tra thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và giám sát thực hiện quyền trẻ em theo luật định; gắn công tác triển khai và kết quả thực hiện Chỉ thị với việc đánh giá, xếp loại các tổ chức Đảng và các cơ quan, đơn vị hằng năm.


Tiếp tục quan tâm đầu tư ngân sách cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm kinh phí bố trí cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo Nghị quyết số 13/2016/NQ-HĐND ngày 05-12-2016 của HĐND thành phố. Đồng thời, tăng cường công tác xã hội hóa huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Kịp thời khen thưởng học sinh giỏi, học sinh con em gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên; có chính sách ưu tiên, đầu tư, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện để trẻ em được thụ hưởng các chính sách ưu tiên nhằm phát triển toàn diện về tâm, thể, trí để được phát triển toàn diện...

Nhân dịp này, BHXH Việt Nam đã tặng Bằng khen 30 tập thể, cá nhân; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 18 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 19 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.