Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển bền vững là trách nhiệm chung của toàn xã hội

TTXVN| 06/07/2018 05:59

(HNM) - Chiều 5-7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu chỉ đạo phiên toàn thể Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh Vũ Đức Đam.

Với chủ đề "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0", Hội nghị có sự tham gia của khoảng 600 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm: Bền vững kinh tế, bền vững xã hội và bền vững môi trường.

Nhấn mạnh vai trò trụ cột kinh tế, Thủ tướng cho biết, tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam giai đoạn 1986-2017 đạt 6,63%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một điểm đến hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế. Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát, khả năng chống chịu của nền kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Nhờ tăng trưởng kinh tế liên tục, chính sách phân phối hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7%. Việt Nam còn đạt được nhiều thành quả trong phát triển con người dựa trên các trụ cột về giáo dục, y tế và chính sách phúc lợi xã hội. Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi - thuộc nhóm cao của thế giới. Các giá trị văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát triển hài hòa…

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) nhìn nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong thực hiện mô hình thành phố bền vững và đây được xem là hình mẫu nhân rộng cho nhiều quốc gia khác.

Cơ bản nhất trí với các báo cáo và kiến nghị, đề xuất về phát triển bền vững tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển bền vững là trách nhiệm chung của toàn xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.