Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tàn tật” thay bằng “khuyết tật”...

ANHTHU| 22/08/2006 08:43

Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) và Tổ chức Cứu trợ và Phát triển (CRS) vừa tổ chức hội thảo khái niệm và từ ngữ về người tàn tật  nhằm thu thập ý kiến, cung cấp tài liệu tham khảo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi tiến hành dự thảo Luật về Người khuyết tật dự kiến trình Quốc hội trong năm 2008.

Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) và Tổ chức Cứu trợ và Phát triển (CRS) vừa tổ chức hội thảo khái niệm và từ ngữ về người tàn tậtnhằm thu thập ý kiến, cung cấp tài liệu tham khảo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi tiến hành dự thảo Luật về Người khuyết tật dự kiến trình Quốc hội trong năm 2008. Tham dự hội thảo có 50 đại biểu là đại diện của các cơ quan hữu quan, các tổ chức phi chính phủ và người khuyết tật.

Hiện nay, các văn bản pháp luật của nước ta đều dùng cụm từ “người tàn tật”. Tuy nhiên, đông đảo người khuyết tật lại không muốn gọi như vậy bởi họ cho rằng từ“tàn tật” mang nghĩa tiêu cực, nặng nề. Việc dùng từ “tàn tật” sẽ khiến người ta có cảm giác là những người này không còn khả năng gì, không có hy vọng gì và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự nỗ lực phấn đấu vượt khó khăn của bản thân họ. Trong khi đó, từ “khuyết tật” lại mang ý nghĩa là những khiếm khuyết, sự giảm chức năng và vẫn có khả năng phục hồi, vẫn còn hy vọng, bởi vậy, nó mang ý nghĩa tích cực hơn.

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng cụm từ “người tàn tật” được sử dụng để chỉ một cộng đồng cần được tôn trọng, thông cảm, chia sẻ với tình nhân ái rộng rãi và không bao giờ tỏ ra có ý nghĩa coi thường, kỳ thị. Các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước đều dùng cụm từ “người tàn tật” khi nói tới cộng đồng này. Nếu thay đổi cách gọi thì không những phải thay đổi từ ngữ trong các văn kiện này mà còn phải thay đổi trong nhiều tài liệu khác nữa. Do vậy, chỉ cần thay đổi thái độ ứng xử đối với người khuyết tật chứ không cần phải thay đổi cách gọi. Cũng có ý kiến cho rằng nếu thay cụm từ “người tàn tật” thành “người khuyết tật” thì số người được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước sẽ thay đổi. Trong những năm gần đây đã có một số văn bản pháp luật dùng cụm từ người tàn tật/khuyết tật, ví dụ như Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hay quy định về giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật.

Tuy nhiên, trong tổng số 19 ý kiến phát biểu tại hội thảo thì có 17 ý kiến đề nghị dùng từ khuyết tật. Quan điểm đưa ra là người khuyết tật trước tiên là một con người. Một người bị mất đi đôi chân, nhưng nếu được học tập, đào tạo nghề, có công ăn việc làm phù hợp và thu nhập ổn định, có đóng góp của cải cho xã hội thì đó là người khuyết tật chứ không phải là người tàn tật. Cách sử dụng từ ngữ trong tiếng Việt cũng như trong các ngôn ngữ khác trên thế giới đều thay đổi theo thời gian, thể hiện thái độ và cách nhìn nhận của con người hiện đại và từ ngữ cũng có tác dụng ngược trở lại đối với xã hội. Đồng thời, khi đề cập tới lĩnh vực này, xu hướng quốc tế hiện nay đã chuyển đổi cách tiếp cận theo kiểu từ thiện sang phương pháp tiếp cận dựa trên quyền và lợi ích hợp pháp của người tàn tật. Do vậy, đã đến lúc nên thay đổi cách dùng từ hay thuật ngữ để gọi nhóm đối tượng này theo hướng tích cực hơn, tránh gây sự phản cảm, tự ti cho người khuyết tật. Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của người khuyết tật khi xây dựng hay sửa đổi các văn bản pháp luật hay chính sách có liên quan tới họ.

Xã hội ngày càng phát triển, văn minh hơn, nhận thức của xã hội nói chung và nhận thức của xã hội về người khuyết tật nói riêng cũng thay đổi nên từ ngữ sử dụng cũng cần thay đổi theo xu thế đó. Hiện nay, đại bộ phận cộng đồng người khuyết tật và người bình thường đều chọn dùng từ khuyết tật. Vì thế, sau khi thảo luận, trao đổi sôi nổi, Hội thảo đã đi đến kết luận là cần thiết sử dụng từ “khuyết tật” thay cho “tàn tật” để mang tính nhân văn và xã hội nhiều hơn, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của cộng đồng người khuyết tật.

Vân Nhi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Tàn tật” thay bằng “khuyết tật”...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.