Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những sự kiện ngân hàng nổi bật năm 2013

Hương Thủy| 31/12/2013 13:45

(HNMO) - HNMO xin giới thiệu một số điểm nổi bật của ngành ngân hàng trong năm 2013.


Lãi suất giảm mạnh về thời kỳ 2005-2006

Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 1%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND, từ cuối tháng 6 cho phép các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Với các giải pháp trên kết hợp với điều hành linh hoạt cung ứng tiền, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm (trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006) nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Thanh khoản VND của hệ thống các tổ chức tín dụng được giữ vững và tiếp tục cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống.

Tỷ giá ổn định

Xuất phát từ tin đồn, trong năm 2013 đã có 3 lần thị trường ngoại tệ “nổi sóng”. Tuy nhiên, với sự can thiệp kịp thời của NHNN, thị trường nhanh chóng đi vào ổn định. Ngay từ đầu năm, NHNN đã đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá với biên độ tăng không quá 2-3% trong năm 2013 nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của đồng Việt Nam. Trên thực tế, cả năm giá USD chỉ tăng 1,3% và thị trường có một năm ổn định. Việc điều hành linh hoạt tỷ giá USD mua vào của NHNN theo hướng khuyến khích các tổ chức tín dụng bán ngoại tệ cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước và điều chỉnh linh hoạt tỷ giá bán ra để can thiệp thị trường phù hợp với mục tiêu ổn định thị trường. Chính vì thế, nguồn dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố, ước tính đạt trên 30 tỷ USD, tăng khoảng 50% so với năm 2012.

Ngân hàng thương mại chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng


Sau nhiều lần trì hoãn dù có chủ trương từ năm 2011, đến hết quý II năm 2013 (30/6), đúng hơn là khoảng 10 ngày sau quý II, việc tất toán trạng thái vàng tại các tổ chức tín dụng chính thức hoàn thành, từ đây các ngân hàng thương mại chấm dứt, không còn huy động và cho vay bằng vàng. Điều này cũng đồng nghĩa là đã loại bỏ nhiều rủi ro, nguy cơ đổ vỡ tại một số tổ chức tín dụng. Có thể nói, đây là thành công rất lớn của NHNN trong việc chống vàng hóa triệt để.

Sự ra đời của VAMC


Nợ xấu được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông dòng tiền trong nền kinh tế. Vì thế, tháng 7/2013 Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chính thức ra đời nhằm xử lý nợ xấu. Được ví như bênh viện nợ xấu, VAMC mới chỉ ở giai đoạn tiếp nhận bệnh nhân, sau đó mới khám bệnh, phân loại bệnh, rồi chữa bệnh. Vì thế, việc xử lý nợ xấu sẽ là một việc quan trọng trong năm 2014.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nhờ VAMC, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể, từ mức 4,73% vào tháng 10 xuống còn 4,55% cuối tháng 11 hay nói cách khác, VAMC đã khắp được một vài “cục máu đông”. Sau ít tháng đi vào hoạt động, đến nay VAMC đã mua được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu, nhiều hơn kế hoạch.

Cơ bản xử lý 9 ngân hàng yếu kém

2013 là năm thứ 2 liên tiếp việc tái cấu trúc ngân hàng. Trong năm nay, có thương vụ hợp nhất đáng chú ý là giữa Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank) và Tổng công ty cổ phần Tài chính Dầu khí (PVFC) thành Ngân hàng TMCP Đại Chúng (Pvcombank). Sau khi chính thức hợp nhất từ tháng 9, Pvcombank có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Mục tiêu của PVcombank là lãi khoảng 420 tỷ đồng trong năm nay; năm 2014 và 2015 lãi lần lượt 756 tỷ đồng và 1.235 tỷ đồng.

Thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank cũng gây chú ý. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng. Cái tên DaiABank sẽ không còn trên thị trường sau sáp nhập. Ngày 24/5, Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam ra mắt với tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank). Ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án sử dụng nguồn lực từ tập đoàn Thiên Thanh để cái cơ cấu.

Đến nay đã cơ bản xử lý được 9 ngân hàng thương mại yếu kém nhất trong toàn hệ thống đã được xác định từ trước. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, Ngân hàng Nhà nước xác định thêm 8 tổ chức tín dụng yếu kém (trong đó có 2 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức tín dụng phi ngân hàng) để triển khai tái cấu trúc trong thời gian tới.

Lần đầu tiên tổ chức đấu thầu bán vàng


Để tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp bình ổn thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ, từ ngày 28/3/2013, NHNN đã tiến hành tổ chức đấu thầu bán vàng ra thị trường giúp các ngân hàng có đủ vàng tất toán trạng thái và đáp ứng nhu cầu của người dân. Tính đến ngày 20/12, sau 75 phiên đấu thầu, 1.799.900 lượng, tương đương 69,2 tấn vàng, trúng thầu trên tổng số 1.912.000 lượng chào. Trong số trên, có khoảng 30 tấn được các ngân hàng sử dụng để tất toán số dư huy động vàng. Số còn lại, được các đơn vị trúng thầu bán ra thị trường. Lúc đầu, số lượng vàng chào bán là 26.000 lượng với 3 phiên/tuần, sau đó có phiên lên tới 40.000 lượng. Tuy nhiên, sau thời hạn tất toán trạng thái vàng của ngân hàng (30/6), NHNN hạn chế cung vàng ra thị trường bằng cách giảm lượng dần lượng chào thầu và tần suất đấu thầu. Phiên có số vàng thừa kỷ lục là phiên thứ 67, thừa tới 3.700 lượng. Với việc NHNN cung mạnh vàng, thị trường đã có một năm ổn định.

Giải ngân gói 30.000 tỷ không được như mong đợi


Nhằm tạo điều kiện cho người dân mua được nhà xã hội giá rẻ; đồng thời hỗ trợ thị trường bất động sản ấm lên, từ ngày 1/6/2013, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được triển khai. Lãi suất cho vay áp dụng cho chương trình này tối đa là 6% một năm, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm đối với khách hàng là cá nhân và 5 năm đối với khách hàng là doanh nghiệp. Tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhận lần lượt là 30% và 70% từ gói tín dụng này. Theo kế hoạch, gói tín dụng sẽ được giải ngân chậm nhất trong vòng 36 tháng kể từ ngày 1/6/2013.

Gói tín dụng này được kỳ vọng là sẽ giải ngân được khoảng 15.000 tỷ đồng trong năm 2013, từ đó giúp lan tỏa trên thị trường bất động sản, góp phần giúp thị trường ấm lên. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, việc giải ngân rất chậm, chủ yếu do quy định về việc xét duyệt cho vay, quy định đối tượng, các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận gói ưu đãi; nguồn nhà ở xã hội không nhiều. Vì vậy, Bộ Xây dựng đã phải nới điều kiện để người dân dễ tiếp cận gói tín dụng hơn. Tuy vậy, đến giữa tháng 12, tức sau hơn 6 tháng triển khai, mới giải ngân được 555 tỷ đồng, tương đương 1,8% gói tín dụng này.

Thu hút mạnh kiều hối

Việt Nam hiện có khoảng 4 triệu kiều bào đang sinh sống, học tập và lao động tại 101 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó khoảng nửa triệu là lao động xuất khẩu. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn đạt lượng kiều hối cao. Cụ thể, năm 2011, kiều hối Việt Nam đạt mức kỷ lục 9 tỉ USD; năm 2012, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 10 tỉ USD, trở thành 1 trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Dự kiến năm 2013, lượng kiều hối về Việt Nam sẽ vượt mốc 10 tỉ USD và Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối cao nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những sự kiện ngân hàng nổi bật năm 2013

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.