Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những cổ phiếu đang mất giá mạnh

Theo VnMedia| 11/08/2014 14:35

Bất chấp việc thị trường chứng khoán tuần qua đã quay đầu đi lên, nhiều cổ phiếu niêm yết trên bảng điện tử vẫn tiếp tục đi xuống mạnh. Trước diễn biến này, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường sẽ còn gặp khó khăn trong tuần tới.

Theo thống kê trên sàn chứng khoán, trong tuần qua, cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM tiếp tục ghi nhận sự trầm lắng của giới đầu tư. Hoạt động bán tháo vẫn lan rộng trên bảng điện tử, điều này đã khiến nhiều cố phiếu lao dốc mạnh. Đáng chú ý, trong nhóm những cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua xuất hiện khá nhiều mã có mệnh giá lớn.

Theo đó, tại sàn TP.HCM, cổ phiếu đầu tiên được xếp vào danh sách cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần là MPC của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú.

Trong tuần qua, cổ phiếu MPC đã liên tiếp có những phiên lao dốc. Tính chung cả tuần, MPC đã để mất 6.500 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 11% (từ mức 60.500 ngày 1/8, giảm xuống còn 54.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên 8/8).

Mặc dù MPC đã giảm khá mạnh trong những phiên tuần trước, nhưng bước sang ngày đầu tiên của tuần mới, cổ phiếu này lại đang giao dịch theo chiều hướng đi lên. Lúc hơn 10h30 phút sáng nay, MPC đang tăng tạm thời 1.500 đồng/cổ phiếu.

Nhiều cổ phiếu trên thị trường đang có mức giảm mạnh. Ảnh minh hoạ


Đứng thứ 2 trong danh sách những cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua trên sàn TP.HCM là cổ phiếu LGC của Công ty cổ phần cơ khí - điện Lữ Gia. Trong tuần qua, cổ phiếu này cũng để mất 4.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 10,26% (từ mức 39.000 đồng/cổ phiếu hôm 1/8, giảm xuống còn 35.000 đồng/cổ phiếu hôm 8/8). Trong giao dịch sáng nay, cổ phiếu LGC này đã giảm sàn tới 2.400 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu EVE của Công ty cổ phần Everpia Việt Nam đã giữ ở vị trí giảm thứ 3 trong tuần qua, với mức giảm gần 10% (từ mức 28.800 đồng/cổ phiếu hôm 1/8, xuống còn 26.000 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên hôm 8/8).

Cũng giống như cổ phiếu LGC, EVE trong sáng nay cũng đã tiếp tục diễn biến theo chiều hướng đi xuống, với mức giảm 500 đồng/cổ phiếu lúc tạm thời chốt phiên sáng nay (11/8).

Đứng ở vị trí thứ 4 và 5 là cổ phiếu RDP của Công ty cổ phần nhựa Rạng Đông và DCT của Công ty cổ phần tấm lợp - vật liệu xây dựng Đồng Nai, với mức giảm lần lượt là 9,09% và 7,14%.

Trong khi đó, bên sàn Hà Nội, trong tuần qua, nhiều cổ phiếu cũng có mức giảm khá mạnh.

Trong đó, cổ phiếu CTX của Tổng Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam đã dẫn đầu danh sách giảm giá mạnh nhất tuần với mức 15%, tương đương 1.200 đồng/cổ phiếu (từ mức 8.000 đồng/cổ phiếu hôm 1/8 giảm xuống còn 6.800 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên hôm 8/8).

Đứng ở vị trí thứ hai là cổ phiếu SDC của Công ty cổ phần tư vấn Sông Đà với mức giảm 1.800 đồng/cổ phiếu, tương đương 14,63% (từ mức 12.300 đồng/cổ phiếu ngày 1/8, xuống còn 10.500 đồng/cổ phiếu hôm 8/8).

Cổ phiếu BBS của Công ty cổ phần Vicem bao bì Bút Sơn đã đứng ở vị trí thứ 3 về mức giảm, với 2.600 đồng/cổ phiếu, tương đương 13,20% (từ mức 19.700 đồng/cổ phiếu hôm đầu tuần, xuống còn 17.100 đồng/cổ phiếu hôm cuối tuần trước).

Cổ phiếu CT6 của Công ty cổ phần công trình 6 và VXB của Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Bến Tre đã xếp ở mức 4 và 5 với mức giảm lần lượt là 11,76% và 10,92%.

Trước đà lao dốc mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu trong tuần qua, nhiều công ty chứng khoán đã tiếp tục tỏ ra khá thận trọng trong các dự báo về xu hướng của thị trường trong tuần này.

Theo nhận định của Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS, về bối cảnh kinh tế chung, khi mà những kỳ vọng đối với kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu cơ bản có vốn hóa vừa phải qua đi, thì cơ hội đối với thị trường chứng khoán là không lớn. Triển vọng tăng trưởng giá ngắn hạn vẫn sẽ chỉ tập trung ở một số ít mã cơ bản, được dòng tiền chú ý và lợi nhuận kỳ vọng cũng chỉ ở mức thấp.

Cũng theo nhận định của FPT, trước áp lực bán ròng của khối ngoại và hai chỉ số đang giằng co mạnh, những phiên giao dịch tuần này sẽ khá nhạy cảm. Vì vậy nhà đầu tư nên duy trì sự bình tĩnh, tránh tâm lý hưng phấn hoặc bi quan thái quá, các giao dịch ngắn hạn vẫn cần được hạn chế và cân nhắc hạ tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số quay đầu mạnh ở vùng giá này.

Trong khi đó, theo nhận định của Công ty chứng khoán MB – MBS, các dấu hiệu chốt lời tại nhóm vốn hóa lớn cho thấy, thị trường sẽ gặp nhiều cản trở trong việc vượt qua vùng kháng cự 610 điểm. Mặc dù dòng tiền vẫn luân chuyển sang các cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng xu hướng tăng không thực sự rõ ràng và chỉ mang tính ngắn hạn.

“Vì vậy, nhà đầu tư nên hạn chế việc mua vào tại vùng gần đỉnh hiện tại, mà nên chờ thêm khi thị trường giảm lại về vùng 590 điểm hoặc có tín hiệu rõ ràng về khả năng vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh hiện tại”, nhận định của MBS chỉ rõ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những cổ phiếu đang mất giá mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.