Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thách thức với ngành tài chính

Hương Ly| 01/04/2015 06:37

(HNM) - Hội nhập kinh tế sẽ mang đến những cơ hội lớn như thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, việc hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp có hiệu lực sẽ đặt ra nhiều thách thức với ngành tài chính.


Bên cạnh việc sụt giảm nguồn thu ngân sách do tác động từ cắt giảm thuế, việc ngăn chặn thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) thông qua hoạt động chuyển giá và xây dựng hệ thống thuế với tác động tích cực, đa chiều đến tăng trưởng xuất khẩu sẽ là những bài toán khó với ngành chức năng. Đây là những nội dung chính được nêu tại hội nghị đối ngoại ngành tài chính diễn ra ngày 31-3 tại Hà Nội.

Tác động từ những cam kết cắt giảm thuế

Cùng với ASEAN, Việt Nam đã tham gia nhiều FTA với các bên đối tác. Nhiều hiệp định thương mại quan trọng với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã được ký kết. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết: Tính đến nay Việt Nam đã tham gia 8 FTA, trong đó có 6 hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 hiệp định song phương với Nhật Bản, Chilê.

Trên thực tế, quá trình hội nhập kinh tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế tốt hơn. Qua đó, hoạt động xuất khẩu, đầu tư nước ngoài sẽ khởi sắc và tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những thách thức do hội nhập mang lại cũng không đơn giản. Tổng thu NSNN sẽ bị ảnh hưởng khá mạnh do những cam kết cắt giảm thuế. Trên thực tế, tại nhiều quốc gia, nguồn thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu NSNN. Việc tham gia nhiều FTA cùng một lúc sẽ gây khó khăn lớn cho điều hành thu - chi NSNN, nhất là khi phải cắt giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong một thời gian ngắn. Đặc biệt, với TPP, tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu có thể lên tới gần 100%. Còn FTA với EU, tỷ lệ cắt giảm thuế dự kiến là trên 90%.

Thách thức cũng sẽ đến khi một số nhà đầu tư nước ngoài hành xử không phù hợp với đạo đức kinh doanh khi có thu nhập rất lớn nhưng lại sử dụng các biện pháp để chuyển giá, tìm cách giảm mạnh, thậm chí kê khai thuế ở mức không có thu nhập để không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Chung: Trong giai đoạn tới, ngành tài chính sẽ rà soát đánh giá tổng kết công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế nhằm xác định rõ các thách thức đặt ra. Từ đó, xây dựng chương trình hành động cụ thể, bảo đảm hội nhập chủ động, tích cực và hiệu quả. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần có một cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan nhằm xây dựng một định hướng đối ngoại phù hợp, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua những thách thức hội nhập trong thời gian tới.

Cải cách chính sách, cơ cấu nguồn thu

Đó là hai giải pháp căn bản được Bộ Tài chính đề xuất và thực hiện nhằm thích ứng với làn sóng hội nhập đã, đang diễn ra mạnh mẽ. Trên thực tế, để giảm thiểu những tác động sụt giảm nguồn thu NSNN, khi đàm phán gia nhập WTO hay các FTA, Bộ Tài chính luôn lưu ý các điều khoản nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực. Qua đó, thuế suất khi thực hiện các FTA tuy có giảm, thậm chí được xóa bỏ theo cam kết quốc tế, song tốc độ giảm luôn được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ đúng lộ trình đã được tính toán cẩn trọng. Vì vậy, những tác động bất lợi cơ bản đã được khắc phục. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, nếu như tổng thu NSNN năm 2005 là 228,3 nghìn tỷ đồng thì tới năm 2014, con số này đã lên tới 846,4 nghìn tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, tổng thu NSNN ước đạt 911,1 nghìn tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc đàm phán thận trọng kết hợp với những nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu mà ngành tài chính thực hiện đã giúp tổng thu NSNN (gồm cả thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu) tăng đều qua mỗi năm, đáp ứng nhu cầu chi của NSNN.

Liên quan đến việc xây dựng chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian tới, đại diện Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo chiến lược cải cách về thuế xuất khẩu giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ thực hiện chính sách thuế theo hướng sửa đổi, bổ sung biểu thuế xuất khẩu nhằm khuyến khích sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hạn chế xuất khẩu khoáng sản tài nguyên chưa qua chế biến, giảm hàng hóa gia công giá trị gia tăng thấp.

Để khắc phục tình trạng thất thu NSNN qua hoạt động chuyển giá, thời gian tới Tổng cục Thuế sẽ hoàn thiện các chính sách và biện pháp quản lý đối với giao dịch liên kết qua biên giới, các đối tượng không cư trú và những công ty đa quốc gia hoạt động toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tăng cường kiểm soát có hiệu quả các giao dịch lớn qua biên giới nhằm chống trốn và tránh thuế... Ngành cũng sẽ chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức và chuyên môn cao nhằm đáp ứng những thách thức về thuế quốc tế, giao dịch xuyên biên giới của công ty đa quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức với ngành tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.