Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới quản lý ngân sách nhà nước: Vượt thu mới được phép tăng chi

Hương Ly| 11/04/2015 07:35

(HNM) - Đến hết quý I, mặc dù bội chi ngân sách mới chỉ ở mức 37,3 nghìn tỷ đồng (bằng 16,5% dự toán năm), song theo thông lệ, những tháng cuối năm vẫn thường tăng tỷ lệ bội chi. Theo các chuyên gia, bội chi ngân sách tăng là do các khoản chi hành chính, chi mua sắm thiết bị… chưa được quản lý hiệu quả.

Khách hàng đến nộp thuế tại điểm thu Lý Thái Tổ. Ảnh: Mai Vy



Mạnh tay cắt giảm chi

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết quý I-2015, tổng thu NSNN đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014. Nhiều khoản thu đạt và vượt kế hoạch với 48 địa phương thu đạt trên mức bình quân chung (25% dự toán), 54 địa phương thu cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy tổng chi quý I đã lên tới 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 12,3% so cùng kỳ năm 2014. Bội chi NSNN mặc dù mới chỉ ở mức 16,5% dự toán năm, song theo thông lệ hằng năm, các khoản chi NSNN thường tập trung nhiều vào những tháng cuối năm. Vì vậy, việc cân đối thu chi ngân sách và giữ bội chi cả năm ở mức cho phép luôn là bài toán khó với bất kỳ quốc gia nào.

Nhận xét về kết quả thu, chi NSNN, chuyên gia kinh tế Cao Sĩ Kiêm cho rằng, nợ công đang diễn biến theo chiều hướng khó khăn, các khoản chi ngân sách vẫn tăng, thu còn hạn chế, nên khả năng bội chi vẫn có xu hướng tăng. Theo kế hoạch đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa bội chi về mức 4,5% GDP, nhưng trước diễn biến khó lường của nền kinh tế, tại kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh bội chi lên 5,3%. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là các khoản chi hành chính, chi mua sắm thiết bị… quản lý chưa chặt chẽ làm tăng chi ngân sách. Trong khi đó, nếu thực hiện sát sao, nhiều khả năng Chính phủ vẫn có thể đạt được mức bội chi NSNN 3%. Ông Cao Sĩ Kiêm phân tích, mục tiêu giảm bội chi NSNN phụ thuộc rất lớn vào điều kiện của nền kinh tế. Bởi, khi Chính phủ ưu tiên tăng trưởng sẽ phải nới ngân sách để tăng đầu tư nhằm bảo đảm nhịp độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi đó cần chú ý những khoản chi gây lãng phí, dàn trải, không hiệu quả, đặc biệt là các khoản chi hành chính. Trên thực tế hiện nay, cơ cấu ngân sách cho hành chính nhằm vận hành bộ máy quản lý, mua sắm, lương bổng chiếm tới 70%, chi cho đầu tư phát triển còn thấp so với nhu cầu.

Để đạt được mục tiêu giảm bội chi xuống 3%, các chuyên gia cho rằng, cần phải hội tụ cả 3 yếu tố. Đầu tiên, phải tăng nguồn thu, cải tiến các chính sách, cải tiến quản lý thu chi để tăng nguồn thu. Thứ hai là nỗ lực tiết giảm chi, kể cả chi hành chính, chi thường xuyên, chi trả nợ công, chi mua sắm, vay nước ngoài để giảm chi. Thứ ba là nâng cao hiệu lực quản lý bộ máy hành chính, xây dựng chế tài xử lý những trường hợp vi phạm như chi sai, lãng phí, dàn trải, chi ngân sách lớn mà không hiệu quả… 3 biện pháp truyền thống này đã được nhiều quốc gia áp dụng và thu được hiệu quả cao khi thực hiện giảm mức bội chi NSNN.

Hai phương án thưởng vượt thu

Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) diễn ra chiều 8-4, nhiều phương án siết chặt các khoản chi NSNN cũng như phương án thưởng vượt thu đã được Bộ Tài chính đệ trình. Để khuyến khích các địa phương hoàn thành dự toán thu NSNN hằng năm, nhiều phương án liên quan đến việc thưởng vượt thu NSNN đã được đề xuất. Bởi, số vượt thu dự kiến sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm áp lực bội chi.

Để khuyến khích các địa phương, các chuyên gia cho rằng nên giữ nguyên mức thưởng vượt thu như quy định hiện hành: Thưởng trên số thu các khoản phân chia giữa ngân sách trung ương (NSTƯ) và ngân sách địa phương (NSĐP). Phương án này cũng được Bộ Tài chính ủng hộ bởi đây là phương án truyền thống đã được áp dụng nhiều năm nay. Song, nhược điểm của phương án này là phần vượt dự toán của trung ương thưởng cho địa phương không hợp lý cũng như không khuyến khích các địa phương tích cực tăng thu phần NSTƯ được hưởng 100%.

Ở một góc nhìn khác, các chuyên gia tài chính lại cho rằng, nên quy định mức thưởng không quá 20% các khoản thu NSTƯ hưởng 100%, trừ thu từ dầu thô, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu. Phương án này sẽ khuyến khích địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách và có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng cũng có nhược điểm là nếu không quản lý chặt chẽ được ở các địa phương, có trường hợp sẽ vì quyền lợi của địa phương mà gây ra những hoạt động bất thường về nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu. Mặc dù NSĐP được phép bội chi, nhưng chỉ nên cho phép những địa phương thu vượt dự toán năm trước và có khả năng trả nợ thì mới được áp dụng để hạn chế tình trạng chi vượt dự toán.

Theo các chuyên gia, việc thưởng vượt thu ngân sách là cần thiết để khuyến khích các địa phương tăng thu, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để nguồn thu này được quản lý, sử dụng hiệu quả, các khoản chi NSNN phải được quản lý chặt chẽ, hạn chế ở mức cao nhất tình trạng chi tiêu lãng phí, dàn trải. Đây cũng là giải pháp căn cơ giúp giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách và giữ vững an ninh tài chính quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới quản lý ngân sách nhà nước: Vượt thu mới được phép tăng chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.