Theo dõi Báo Hànộimới trên

VN-Index giảm điểm trước đợt nghỉ dài

T.Hương| 27/04/2015 12:49

(HNMO) – Giảm nhẹ trong phiên sáng nhưng đến chiều lực bán ra của nhà đầu tư khá mạnh khiến VN-Index hạ đáng kể. Cổ phiếu OGC giảm kịch trần với dư bán lớn sau khi số phận của Oceanbank được định đoạt.

Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước đã công bố mua lại toàn bộ Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của Oceanbank; đồng thời chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank-CTG) được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia quản trị diều hành Oceanbank nhằm đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành. Như vậy, đến tận cuối tuần  qua cổ đông OGC (Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương) mới biết chắc chắn về việc ngân hàng Oceanbank bị mua lại với giá 0 đồng. Vì thế, phiên cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ dài, nhà đầu tư đã đua nhau rút khỏi Oceanbank. Tuy nhiên, để thoát khỏi cổ phiếu này không phải cứ muốn là được, bởi có đến hơn 13 triệu cổ phiếu này được tủng ra bán ở mức giá sàn nhưng lực cầu yếu ớt nên chỉ một phần nhỏ (hơn 600.000 cổ phiếu) được chuyển nhượng. Hết phiên sáng, OGC giảm kịch sàn 200 đồng, xuống 4.000 đồng/cổ phiếu, dư bán còn đến hơn 12 triệu cổ phiếu trong khi dư mua trống trơn.

Tổng lượng cổ phiếu trên sàn TP HCM trong phiên sáng nay chỉ đạt hơn 32 triệu, tương ứng trên 680 tỷ đồng. Đây là con số khá thấp. Thực ra, không phải phiên này mà thời gian vừa qua thị trường luôn ở trạng thái giao dịch thưa thớt bởi nhà đầu tư thận trọng, e dè, chờ đợt thông tin tốt trước khi quyết định tham gia thị trường. Hôm nay, giao dịch trên thị trường thấp còn do một bộ phần nhà đầu tư nghỉ lễ sớm.

Giao dịch được trải đều trên thị trường chứ không tập trung nhiều vào nhóm cổ phiếu nhất định. Điều này được thể hiện ở số cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao trong phiên. Cao nhất là CII cũng chỉ có 1,353 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng; tiếp đến là CTG (1,24 triệu cổ phiếu); FLC (1,22 triệu cổ phiếu), HHS (1,129 triệu cổ phiếu), MBB (1,019 triệu cổ phiếu). Các mã còn lại có khối lượng giao dịch dưới 1 triệu cổ phiếu).

Ở đợt khớp lệnh đầu tiên, tiếp nối đà đi lên của thị trường phiên cuối tuần trước, VN-Index tăng 2 điểm, tương ứng 0,35%, đạt 567,77 điểm. Tuy nhiên, sau đó sự xuống giá của một số cổ phiếu có mức vốn hóa lớn đã khiến VN-Index không giữ nổi sắc xanh. Hết giờ giao dịch sáng, VN-Index hạ 0,04 điểm, còn 565,73 điểm trong khi VN-Index nhích 1,77 điểm, lên 597,87 điểm. Sở dĩ VN-Index và VN30-Index có sự tăng-giảm trái chiều bởi mã lớn nhất thị trường là GAS nằm ngoài chỉ số VN30 giảm 500 đồng mỗi cổ phiếu.

Bảng giao dịch điện tử sàn TP HCM nhóm VN30


Toàn thị tường có 78 mã đi lên trong khi 104 mã đi xuống. Tại nhóm VN30, số cổ phiếu tăng-giảm lần lượt là 10 và 12 mã.

Tháng 4 là mùa cao điểm đại hội cổ đông của ngành ngân hàng, vì thế thời gian qua thông tin hợp nhấp, sáp nhập ngân hàng liên tục được công bố ra thị trường. Sau khi đại hội cổ đông nhất trí sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), BIDV vừa cho biết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định cấp thuận sáp nhập MHB vào BIDV, có hiệu lực từ ngày 5/5. Như vậy, cái tên MHB sẽ không còn trên thị trường trong thời gian tới. Với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank-STB), đại hội cổ đồng đã thông qua việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank) vào Sacombank.

Hôm nay, cổ phiếu ngành ngân hàng tăng-giảm trái chiều: BID và EIB giữ giá tham chiếu, STB và CTG cùng tăng 200 đồng, MBB tăng 100 đồng/cổ phiếu, VCB giảm 100 đồng. Tại sàn Hà Nội, ACB tăng 500, SHB và NVB giữ giá tham chiếu.

Trên sàn Hà Nội, giao dịch cũng rất thấp với chỉ 16,448 triệu cổ phiếu và gần 200 tỷ đồng được chuyển nhượng.Áp lực bán ra vẫn khá lớn, vì thế các chỉ số tại đây đi xuống: HNX-Index hạ 0,12 điểm, còn 82,46 điểm; HNX30-Index về 156,68 điểm, giảm 1,13 điểm; HNX30TRI-Index hạ 1,29 điểm, còn 178,72 điểm...

Sang phiên buổi chiều thị trường diễn biến theo hướng xấu hơn với xu hướng bán ra chiếm ưu thế. Vì vậy, đóng cửa phiên VN-Index giảm 3,37 điểm, tương ứng 0,6%, xuống 562,40 điểm; VN30-Index hạ 2,95 điểm, tương đương 0,49%, còn 593,15 điểm.

So với phiên sáng, buổi chiều nhiều cổ phiếu chủ chốt giảm giá hơn. Cụ thể, tại nhóm VN30-Index có tới 18 mã đi xuống trong khi chỉ 8 mã đi lên. Trong số những mã đi xuống có VNM, VIC, VCB, PVD, PVT, PPC, MSN, DPM, SSI. OGC tiếp tục giảm hết biên độ 200 đồng/cổ phiếu. Buổi chiều, số cổ phiếu OGC được chuyển nhượng thêm không nhiều bởi lệnh mua vào hiếm hoi.

Thanh khoản của thị trường vẫn ở mức thấp. Tổng cộng có gần 62 triệu cổ phiếu và hơn 1.100 tỷ đồng được chuyển nhượng thành công.

Trên sàn Hà Nội, khác với phiên sáng, buổi chiều lực cầu trở lại giúp các chỉ số tăng-giảm đan xen: HNX-Index nhích 0,16 điểm, lên 82,75 điểm; HNX30-Index về 157,24 điểm, hạ 0,58 điểm;HNX30TRI-Index giảm 0,66 điểm, xuống 179,36 điểm; LARGE-Index nhích 0,3 điểm, lên 119,83 điểm...Toàn sàn có 40,566 triệu cổ phiếu và 457,346 tỷ đồng được giao dịch thành công.

Sau phiên giao dịch này,
thị trường chứng khoán trong nước sẽ có đợt nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5. Thị trường sẽ giao dịch trở lại vào thứ 2 (4/5).

Một số công ty chứng khoán dự báo, thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn về cả thanh khoản và điểm số sau dịp nghỉ lễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index giảm điểm trước đợt nghỉ dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.