Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VND, vì sao?

Hương Thủy| 16/06/2015 07:22

(HNMO)- Từ đầu tháng đến nay, nhiều ngân hàng đã rụch rịch tăng lãi suất huy động VND với mức tăng phổ biến 0,2%/năm, thậm chí có nơi tăng 0,5%/năm. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Đầu tiên phải kể đến Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Theo biểu lãi suất mới kể từ ngày 11/6, ACB nâng lãi suất phổ biến ở mức 0,2% đối với kỳ hạn 6 tháng đến 36 tháng. Lãi suất tại đây thể hiện rõ kỳ hạn càng dài lãi suất càng cao. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng có mức lãi suất lần lượt là 5,4%/năm và 5,6%/năm; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng được hưởng lãi suất 5,6%/năm và 6,2%/năm; lãi suất cao nhất là 6,7%/năm được ngân hàng này áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tăng lãi suất đối với kỳ hạn 1 tháng đến 8 tháng. Lãi suất cao nhất trong các kỳ hạn trên là 5,2%/năm đối với các kỳ hạn 6-8 tháng, cao hơn trước 0,2/năm so với trước. Các kỳ hạn 3-5 tháng cùng được hưởng mức lãi suất 4,8%/năm; kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng có lãi suất tương ứng là 4,3%/năm và 4,5%/năm.

MB là một trong những ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm đợt này


Đặc biệt, gần đây nhất là từ ngày 15/5, Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) tăng lãi suất tiết kiệm VND. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng có lãi suất 5,1%/năm; các kỳ hạn 2 - 4 tháng cùng được hưởng mức lãi suất 5,2%/năm; các kỳ hạn từ 6 - 7 tháng có lãi suất 6,2%/năm; kỳ hạn 8 tháng là 6,5%/năm; mức lãi suất 7%/năm dành cho các kỳ hạn 9-11 tháng; mức lãi suất 7,2 %/năm được nhà băng này dành cho các kỳ hạn từ 12-18 tháng. Riêng đối với khách hàng gửi tiền tiết kiệm thường, tiết kiệm gửi góp Yêu thương cho con, tiết kiệm Tích lũy an cư với kỳ hạn dài từ 36 tháng, lãi suất cao nhất là 7,4%/năm. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất đầu tiên của OceanBank kể từ khi ngân hàng chuyển đổi thành ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Agribank đã nhập cuộc tăng lãi suất. Nhà băng này nâng lãi suất các kỳ hạn dài. Theo biểu lãi suất mới, lãi suất kỳ hạn 24 tháng dành cho khách hàng cá nhân là 6,8%/năm, tăng 0,5%/năm so với trước. Cũng với khách hàng cá nhân, khi gửi tiết kiệm tại kỳ hạn 18 tháng được hưởng mức 6,5%, tăng 0,3%/năm. Tại Vietinbank, kỳ hạn 1 tháng đang có mức lãi suất là 4,5%/năm thay vì 4%/năm như trước…

Như vậy, sau khi liên tục giảm nhằm tạo điều kiện cho giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất huy động VND đã tăng trở lại. Sức cầu tín dụng gia tăng được coi là nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất này. Tại báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống tổ chức tín dụng tăng chậm hơn cho vay.

Tính đến 31/3/2015 tổng huy động chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng tăng 0,98% so với đầu năm; trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 1,9%, bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm; trong đó, cho vay bằng VND tăng 2,4%, cho vay bằng ngoại tệ giảm 0,9%.

Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% (tháng 12/2014).

Điều đáng nói là tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.

Ông Ngô Anh Tuấn, Tổng giám đốc OceanBank cho biết, động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động của OceanBank lần này để phù hợp với mặt bằng lãi suất chung của thị trường và đảm bảo cơ cấu nguồn vốn hợp lý.

Theo quy luật, càng về gần cuối năm, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp càng cao. Vì thế, có lẽ việc tăng lãi suất huy động của các nhà băng chưa dừng lại ở đây.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động VND, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.