Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sai phạm hay “lỗ hổng pháp lý”?

Hương Ly| 15/07/2015 16:31

(HNMO) - Tại buổi tọa đàm về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) do Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam tổ chức ngày 15-7 tại Hà Nội, nhiều ý kiến xung quanh kết luận truy thu hơn 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB với Sabeco đã được thảo luận sôi nổi.


Mặc dù đại diện KTNN đã khẳng định, Sabeco có quyền khiếu nại kết luận của KTNN nhưng vẫn phải nộp thuế, song phía Sabeco cũng cho rằng, nếu các bộ ngành liên quan gồm Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế và Bộ Công thương chấp thuận đơn vị sẽ nộp đủ số thuế này, song “lỗ hổng pháp lý” để xảy ra tình trạng này chắc chắn không phải do DN này tạo ra.

Theo kết luận do Kiểm toán nhà nước (KTNN) công bố mới đây, KTNN kiến nghị Sabeco phải nộp ngân sách nhà nước (NSNN) tăng thêm hơn 467,417 tỷ đồng, trong đó, có hơn 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt. Song theo kiến nghị của tập thể cán bộ, công nhân viên Sabeco, đơn vị luôn nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luậ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế. Xung quanh kết luận của KTNN, Sabeco vẫn còn nhiều điểm chưa đồng tình và kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng Cục thuế xem xét, xử lý nhanh, dứt điểm nhằm tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông trong bối cảnh Công ty đang bán bớt cổ phần theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ông Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Sabeco đặt nghi vấn, dường như có sự khác biệt giữa việc thực thi kiểm toán giữa các công ty kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước... Bởi ngay sau khi KTNN yêu cầu đơn vị này phải nộp bổ sung 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB, lập tức có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh kết luận này. Bởi trên thực tế hàng năm, công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết đều được các công ty kiểm toán độc lập có uy tín như: KPMG, PWC, E&Y, Deloitte… thực hiện kiểm toán và vẫn luôn được xác nhận, Sabeco đã thực hiện nghiêm túc quy định về thuế TTĐB. Vậy liệu có sự khác biệt gì trong cách thực thi kiểm toán giữa các Công ty kiểm toán độc lập và Kiểm toán nhà nước?- ông Dũng đặt câu hỏi.

Một điểm thắc mắc khác của Sabeco xung quanh kết luận này là trong đợt kiểm toán vừa qua, KTNN chỉ thực hiện tại công ty mẹ và 4 công ty con gồm Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam, Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây và Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội, nhưng lại đề xuất áp thuế và truy thu đển 7 công ty con. Có nghĩa là có 3 công ty không thực hiện kiểm toán nhưng vẫn đề nghị truy thu thì liệu có đúng quy định? Một khó khăn nữa nếu cơ quan quản lý “quyết” truy thu thuế TTĐB của Sabeco thì khi thực hiện, Sabeco sẽ phải sử dụng nguồn quỹ dự phòng hoặc nguồn lợi nhuận chưa phân phối, như vậy bản chất vẫn là tiền Nhà nước.

Đề cập tới việc lãnh đạo KTNN khẳng định có lỗ hổng pháp luật, đại diện Sabeco cũng đặt câu hỏi: “Vậy lỗ hổng đó do ai tạo ra? Nhất quyết không phải do Bia Sài Gòn tạo ra được! Và nếu có điều đó, thì các cơ quan nhà nước cần phối hợp để xây dựng các văn bản quy phạm để điều chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chứ không thể truy thu trước, sửa lỗ hổng pháp luật sau được.

Tại toạ đàm, các chuyên gia tài chính và DN đã nêu nhiều ý kiến xung quanh việc truy thu thuế với Sabeco cũng như việc sửa đổi những lỗ hổng pháp lý liên quan đến lĩnh vực thuế. Một số DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bia, rượu, nước giải khát cũng đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện pháp luật về thuế TTĐB, qua đó hạn chế những tác dụng tiêu cực tới hoạt động của DN.

Được biết, tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Cao Tấn Khổng, Phó tổng KTNN khẳng định, Sabeco chắc chắn phải nộp khoản thuế này dù đơn vị có quyền khiếu nại kết quả kiểm toán, nhưng trước tiên vẫn phải thực hiện kiến nghị đã nêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm hay “lỗ hổng pháp lý”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.