Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua sắm công vượt chuẩn diễn ra phổ biến!

Hương Ly| 29/04/2016 07:22

(HNM) - Kết quả thanh tra, kiểm toán cho thấy, tình trạng mua sắm công vượt chuẩn, sử dụng lãng phí, không đúng mục đích diễn ra khá phổ biến.


Nhiều nơi chưa thực hiện

Theo công bố của Bộ Tài chính tại buổi họp báo chiều 28-4, sau 5 năm thí điểm mua sắm tài sản nhà nước tập trung (MSTT) tại 23 bộ, ngành và địa phương đã giúp tiết kiệm hơn 467 tỷ đồng. Nếu được nhân rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên cả nước và mở rộng đối tượng hàng hóa, dịch vụ buộc phải MSTT thì kết quả này sẽ khả quan hơn. Hình thức mua sắm bao gồm đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu và mua sắm trực tiếp theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính nhận xét, việc MSTT không chỉ giảm chi theo lô lớn mà còn bảo đảm chất lượng hàng hóa, tài sản tương đồng về kỹ thuật, giúp việc sử dụng hiệu quả cao, đồng thời hạn chế các phát sinh kỹ thuật phải sửa chữa bất thường trong quá trình sử dụng. Đặc biệt, việc mua sắm tài sản nhà nước khối lượng lớn, thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi, sẽ bảo đảm công khai, minh bạch, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng thẳng thắn cho rằng, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về phương thức MSTT chưa đầy đủ. Vẫn còn tâm lý e ngại, chưa chủ động, tích cực áp dụng phương thức này. Thậm chí, nhiều bộ, ngành, địa phương có số lượng tài sản mua sắm lớn không thực hiện. "Nguyên nhân là do lãnh đạo đơn vị chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra, còn có tư tưởng khoán trắng việc mua sắm TSNN cho cấp dưới" - ông Thịnh nói.

Ảnh mang tính minh họa


Công khai, nộp ngân sách tiền hoa hồng, chiết khấu

Theo quy luật thị trường, khi thực hiện các hợp đồng kinh tế, đặc biệt là hợp đồng quy mô lớn theo phương thức MSTT, bên mua hàng sẽ được nhà cung cấp giảm giá và chi hoa hồng. Ông Thịnh cho biết, các khoản hoa hồng, chiết khấu, giảm giá sẽ được công khai và nộp vào NSNN hoặc trừ ngay vào giá mua thiết bị trong hợp đồng. Việc công khai khoản tiền hoa hồng không phải đến giờ mới yêu cầu, mà từ Nghị quyết Trung ương 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và trong Luật Phòng chống tham nhũng lãng phí đã nêu rõ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về kế hoạch MSTT trong năm 2016, đại diện Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Thông tư 34/2016/TT-BTC, từ năm 2016 hình thức MSTT sẽ được áp dụng đối với xe ô tô, bao gồm: Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng... Các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp nhu cầu mua sắm xe ô tô và gửi về Bộ Tài chính trước ngày 30-5. Bộ Tài chính sẽ rà soát nhu cầu mua sắm, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức. Trên cơ sở đó, đơn vị MSTT quốc gia lựa chọn nhà thầu theo quy định và ký thỏa thuận khung với đơn vị trúng thầu; cơ quan, đơn vị sử dụng xe trực tiếp ký hợp đồng mua bán, thanh toán, tiếp nhận xe với đơn vị trúng thầu trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mỗi năm NSNN chi khoảng 200.000 tỷ đồng mua sắm tài sản công. Việc áp dụng phương thức MSTT dự kiến tiết kiệm 10%-17% số kinh phí NSNN phải chi trả, tương đương với số tiền từ 20.000 đến 30.000 tỷ đồng.

Chi phí sử dụng một xe công là 320 triệu đồng/năm

37.960 xe công đang phục vụ tại các cơ quan hành chính sự nghiệp là số lượng xe công do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) công bố. Con số này chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp nhà nước. Cục Quản lý công sản ước tính, chi phí sử dụng một xe công trung bình 320 triệu đồng/năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe). Mức chi như vậy trong bối cảnh ngân sách khó khăn là chưa phù hợp. Việc khoán xe công với các chức danh lãnh đạo tới đây sẽ được thực hiện, nhằm cắt giảm tối đa khoản chi cho NSNN. Bên cạnh đó, nếu thực hiện rà soát tiêu chuẩn, định mức ước tính sẽ tiết giảm khoảng 7.000 xe công so với hiện nay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua sắm công vượt chuẩn diễn ra phổ biến!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.