Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phối hợp giải quyết nợ xấu

Hà Linh| 03/05/2016 07:02

(HNM) - Vấn đề đặt ra lúc này là áp lực

Giải quyết tình trạng nợ xấu là vấn đề cấp bách hiện nay. Ảnh: Hải Anh


Đánh giá không mấy tích cực, TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Trong khi ngành Ngân hàng chưa giải quyết xong "nợ xấu", nay lại phải gánh thêm lãi dự thu. Thu nhập lãi thuần mà các ngân hàng công bố có phần ảo, bởi một số ngân hàng đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để trả lãi cho tiền gửi cũ. Thực tế này làm cho "nợ xấu" có nguy cơ phình ra. Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UBGSTC cũng nhận định, "nợ xấu" bán cho VAMC nhưng các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro khiến gánh nặng tài chính thêm nặng. Chưa kể, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra không nhỏ nên nếu trừ đi tất cả các khoản trích lập, chi phí... thực chất lợi nhuận của các ngân hàng thấp. Nếu không có cách giải quyết, "nợ xấu" vẫn sẽ là điểm nghẽn lớn của hệ thống ngân hàng trong năm 2016.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực hơn có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nỗ lực trong việc xử lý "nợ xấu". Nếu trước đây, con số "nợ xấu" được công bố gây tâm lý bất an cho nhiều người, thì đến nay công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, cộng với một khoản lớn "nợ xấu" đã... bớt xấu, "sức khỏe" của ngành Ngân hàng đã khá hơn. Bên cạnh những cái tên ngân hàng bị hợp nhất, hay chấp nhận bị mua với giá "0 đồng", hàng loạt ngân hàng bị buộc phải tái cơ cấu. Trong thời điểm đó, xử lý "nợ xấu" theo cách đưa chung vào "túi" của VAMC được cho là giải pháp duy nhất.

Theo Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng, kể từ khi thành lập, VAMC đã mua 107 nghìn tỷ đồng "nợ xấu", giá trị trái phiếu 99.180 nghìn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế từ năm 2013, tổng "nợ xấu" VAMC đã mua là 245 nghìn tỷ đồng, dư nợ gốc với số trái phiếu phát hành là 208 nghìn tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) từ khi bán nợ cho VAMC tới nay tiếp tục phải trích dự phòng rủi ro. Với mức trích 10% hằng năm theo trái phiếu đặc biệt của TCTD đã tái cơ cấu, 20% với các TCTD không phải tái cơ cấu, mỗi năm có thêm 20-30 nghìn tỷ đồng được các TCTD trích dự phòng để xử lý nợ xấu. Cộng với phần VAMC tổ chức bán tài sản bảo đảm 10-20 nghìn tỷ đồng trong năm 2015 và dự kiến khoảng 30-40 nghìn tỷ đồng năm 2016, số "nợ xấu" giảm đáng kể.

Cũng theo ông Hùng, từ năm 2016 VAMC xác định phải "tự đi trên chính đôi chân của mình", do toàn bộ nợ xấu của từng TCTD đã về mức cho phép là 3% và NHNN sẽ không cần phải yêu cầu các TCTD bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và TCTD là bình đẳng giữa hai doanh nghiệp để thực hiện mua và bán nợ. Như vậy, sau thời gian tập trung mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC đặt mục tiêu hàng đầu trong triển khai công việc từ năm 2016 là tập trung toàn lực vào việc xử lý nợ (bán nợ, bán tài sản...) và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản "nợ xấu" mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu. Bên cạnh việc tiếp tục mua "nợ xấu" nội bảng và ngoại bảng của TCTD theo giá thị trường, VAMC sẽ xây dựng chiến lược mua bán nợ trên cơ sở phân loại các khoản "nợ xấu", đồng thời tổ chức đấu giá phát mại tài sản. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD.

Trong cuộc làm việc gần đây với VAMC, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá, từ khi thành lập tới nay, VAMC đã rất cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao về xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của ngân hàng, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý nợ xấu chưa như mong muốn, nếu không có cơ chế kiểm soát, quản trị tốt, nợ xấu có thể tăng trở lại. Mặc dù là một công cụ xử lý nợ xấu, nhưng VAMC còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, pháp lý, trình độ, quản lý... Chia sẻ với những vướng mắc của VAMC, Phó Thủ tướng cho biết đã đề nghị NHNN tổ chức sơ kết, đánh giá 3 năm thực hiện Quyết định số 834/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đề án xử lý nợ xấu của các TCTD nhằm đề xuất xây dựng đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng giai đoạn 2016-2020, trong đó có các giải pháp về pháp lý, thể chế, phát triển thị trường mua bán nợ, tăng cường phối hợp liên ngành và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của VAMC. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để xử lý nợ xấu, bởi nếu coi xử lý nợ xấu là việc của NHNN và VAMC, thì việc xử lý sẽ rất khó khăn... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phối hợp giải quyết nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.