Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu ngân sách không đủ bù chi: Siết chặt kỷ cương tài chính

Hương Ly| 06/07/2016 06:13

(HNM) - 85,6 nghìn tỷ đồng là số bội chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016. Trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách sụt giảm đáng kể do nhiều nguyên nhân khách quan thì các khoản chi vẫn không ngừng tăng mạnh, thậm chí vượt xa số thu.



Siết chặt kỷ luật ngân sách, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, đặc biệt là các khoản chi cho khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài... là những giải pháp cần thực hiện nghiêm túc, nhằm giảm dần tỷ lệ bội chi...

Ngành Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm bồi dưỡng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.


Thu chưa đạt 50% dự toán

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, số thu NSNN sau nửa năm vẫn chưa đạt được 50% dự toán. Tổng thu NSNN 6 tháng vừa qua ước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán và chỉ tăng được 6,1% so cùng kỳ năm 2015. Đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm gần đây. Trong khi đó, tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm đã lên tới 562,5 nghìn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2015. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển tăng 4,6%, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2% so cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, khoản chi thường xuyên nửa đầu năm nay ở mức 48,5% dự toán, tăng 5% so cùng kỳ năm 2015... Như vậy, trong 6 tháng đầu năm, bội chi ngân sách lên tới 85,6 nghìn tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tiến độ thực hiện thu NSNN nửa đầu năm nay đạt thấp so với 2 năm trước. Trong khi tiến độ thu ngân sách ở địa phương đạt khá với 57 địa phương thu cao hơn cùng kỳ năm 2015, thì thu ngân sách trung ương mới đạt 42% dự toán năm và thấp hơn so với tiến độ thu cùng kỳ năm 2015 (46,3%). Cũng theo ông Trần Xuân Hà, tình trạng thu không đủ bù chi đã diễn ra nhiều năm nay là thách thức không nhỏ trong việc cân đối NSNN.

Còn nhiều dư địa để giảm chi

Trước thực trạng thu NSNN có chiều hướng sụt giảm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đã họp với 13 địa phương có điều tiết thu về trung ương, giao chỉ tiêu thu thêm hơn 58.000 tỷ đồng. "Bộ Tài chính đã chỉ ra "từng món, từng miếng" có thể triển khai thu thêm. Tổng thu NSNN năm nay sẽ vượt dự toán, nhưng chi ngân sách cũng cần phải tiết kiệm" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nhận xét về tình trạng chi vượt thu diễn ra nhiều năm nay, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng: Ngân sách khó khăn không phải do thu ngân sách kém, bởi năm nào thu ngân sách cũng vượt dự toán. Vấn đề ở chỗ chi ngân sách cũng vượt dự toán dẫn đến thu không đáp ứng nhu cầu chi tăng mạnh. Đặc biệt, số chi thường xuyên những năm gần đây tăng rất nhanh trong cơ cấu ngân sách, do đội ngũ hưởng lương từ ngân sách ngày càng tăng.

Đối với chi đầu tư, bên cạnh tình trạng đầu tư công kém hiệu quả, thất thoát lãng phí, còn tồn tại bất cập trong quản lý. Mặc dù Bộ Tài chính là cơ quan điều hành ngân sách, chịu trách nhiệm về tài chính quốc gia, nhưng trong lập dự toán hằng năm, một mảng lớn trong chi ngân sách là chi đầu tư phát triển do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng; nguồn chi được đưa vào cân đối chung của ngân sách. Theo kinh nghiệm quốc tế, việc có hai cơ quan cùng tham gia quy trình ngân sách sẽ nảy sinh nhiều bất lợi. Thực tế cho thấy, dự toán chi ODA hằng năm cho đầu tư rất thấp, nhưng khi quyết toán giải ngân cuối năm thường cao hơn nhiều, gây mất cân đối cho NSNN.

Để khắc phục thực trạng chi vượt thu, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, điều quan trọng đầu tiên là phải siết chặt kỷ luật ngân sách, kỷ cương tài chính, chấm dứt chi vượt dự toán. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại hệ thống thụ hưởng ngân sách, bởi hiện rất nhiều đơn vị đang được hỗ trợ từ ngân sách nhưng vẫn có nguồn thu lớn từ hoạt động của đơn vị. "Về nguyên tắc, đơn vị đó không cần ngân sách hỗ trợ, nhưng họ vẫn “xin”. Rà soát và tách khỏi chi ngân sách nhóm đối tượng này sẽ tiết kiệm được khoản chi rất lớn. Bên cạnh đó, còn một lượng không nhỏ tài sản nhà nước đang được các cơ quan, tổ chức nắm giữ và sử dụng sai mục đích. Nếu được rà soát, tổ chức và khai thác hiệu quả, đây cũng sẽ là nguồn mang lại khoản thu lớn cho ngân sách" - ông Vũ Đình Ánh cho biết thêm.

Tại hội nghị sơ kết công tác tài chính ngân sách 6 tháng đầu năm mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: Địa phương nào không đạt chỉ tiêu thu năm nay thì phải giảm chỉ tiêu chi tương ứng, tránh việc thu không đủ chi lại xin trung ương. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều dư địa để tiết kiệm chi, giảm các khoản chi không cần thiết, như khánh tiết, lễ hội, đi công tác nước ngoài.

Để hoàn thành dự toán thu cân đối NSNN năm 2016, 6 tháng cuối năm, ngành Hải quan sẽ tăng cường kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động XNK. Tổng cục Thuế sẽ tiến hành thanh tra 18% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế. Đặc biệt, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao, như: Doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, hoàn thuế...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu ngân sách không đủ bù chi: Siết chặt kỷ cương tài chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.