Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bồi dưỡng nguồn thu dài hạn

Hương Ly| 09/07/2016 06:45

(HNM) - Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), xóa nợ, xóa tiền phạt chậm nộp cho những doanh nghiệp thực sự khó khăn… là những giải pháp được Bộ Tài chính dự thảo trình Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết 35/2016/NQ-CP.


Giảm thuế sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên phát triển sản xuất. Ảnh: Bá Hoạt



Giảm mạnh thuế suất

Với mục tiêu coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, Nghị quyết 35 ban hành trung tuần tháng 5-2016 đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong hỗ trợ các DN phát triển, trong đó nhấn mạnh tới việc ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Để triển khai nghị quyết này, Bộ Tài chính đã dự thảo tờ trình về thực hiện một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa.

Hai phương án giảm thuế TNDN đã được Bộ Tài chính đề xuất nhằm đưa ra xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 (dự kiến diễn ra vào tháng 10-2016). Phương án 1, áp dụng thuế suất 17% từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2020 cho DN nhỏ và vừa. Phương án 2, áp dụng thuế 15%. Nếu so sánh với mức thuế TNDN hiện hành là 20%, thuế suất thuế TNDN tới đây sẽ giảm khá mạnh. Theo Bộ Tài chính, hai phương án này sẽ làm giảm thu NSNN giai đoạn 2016-2020. Nhưng, nguồn thu ngân sách sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân. Bởi, số tiền thuế giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư. Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD).

Đón nhận thông tin về việc thuế suất thuế TNDN sẽ giảm mạnh, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ (DN kê khai thuế tại quận Đống Đa) cho rằng, đây là tin vui với cộng đồng DN. Khi thuế giảm xuống, DN được khuyến khích nhiều hơn trong tăng cường mở rộng đầu tư. Hiện cả nước có khoảng 500.000 DN và phấn đấu có khoảng 2 triệu DN trong vài năm tới. Nếu chính sách này được Quốc hội phê chuẩn, thuế suất thuế TNDN sẽ giảm đi khoảng 40% so với mức hiện hành. Nhưng bù lại, dự kiến sẽ có thêm 300-400% DN thành lập mới. Về ngắn hạn, NSNN có thể bị ảnh hưởng, nhưng về lâu dài thì số thuế thu được vào ngân sách sẽ tăng.

Chị Hoàng Thị Phương Thanh, kế toán Công ty TDME - một DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và cơ điện tại quận Hà Đông cũng phấn khởi trước thông tin thuế TNDN tới đây sẽ giảm mạnh. Thuế suất giảm sẽ khiến DN giảm bớt những áp lực về tài chính và có thêm nguồn tiền để mở rộng SXKD cũng như trang trải các chi phí cho DN. Giảm thuế sẽ mang đến những cơ hội lớn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa...

Cùng với phương án giảm thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án áp thuế suất TNDN 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với DN có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc tại các khu vực kém phát triển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa tiền chậm nộp đối với trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng, không có tiền để nộp thuế; tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các DN đã giải thể, phá sản, cá nhân kinh doanh đã chết, mất tích... nhưng phải bảo đảm bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử.

Thiết thực động viên doanh nghiệp

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tổng các khoản đóng góp về thuế và bảo hiểm bắt buộc/lợi nhuận ròng của DN Việt Nam năm 2014 là 35,2%. Trong đó, thuế chiếm 11,5%, bảo hiểm bắt buộc 23,7%. So với mức bình quân của ASEAN 6 (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Brunei) là 31%, tỷ lệ này tại Việt Nam cao hơn 4,5%. Tuy nhiên, tỷ suất thuế của Việt Nam thấp hơn nhiều so với ASEAN 6 là 11,5%. Những số liệu trên cho thấy, tỷ suất thuế/lợi nhuận ròng của Việt Nam ở mức thấp so với khu vực và thế giới.

Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nếu đề xuất giảm thuế TNDN được Quốc hội phê chuẩn thì sẽ là động lực rất lớn đối với khối DN nhỏ và vừa, đặc biệt là những DN khởi nghiệp. Thực tế thời gian qua, DN gặp nhiều khó khăn. Giảm thuế sẽ là sự động viên, khuyến khích thiết thực để DN tham gia hoạt động SXKD và đây chính là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Giảm thuế, nhưng khả năng thu ngân sách sẽ cao hơn, bởi nếu áp thuế suất quá cao, DN sẽ nảy sinh tâm lý trốn tránh dẫn đến tình trạng thất thu thuế.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, DN nhỏ và vừa luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ cho DN nhỏ, trong đó tập trung vào các chính sách như tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế, hỗ trợ đổi mới khoa học. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, khi nền kinh tế càng phát triển thì tỷ lệ huy động thuế/GDP càng giảm xuống. Trước đây, có thời điểm thuế TNDN lên đến 32%, sau đó giảm còn 28%, hiện nay là 20%... Đây là động lực rất lớn để các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa phát triển SXKD. Tới đây, cơ quan thuế cần nghiên cứu, bổ sung, xây dựng chế độ chính sách thuế mới theo hướng đơn giản, dễ thực hiện. Bên cạnh đó, cần cải cách hệ thống quản lý thuế, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin và bồi dưỡng năng lực cho cán bộ, công chức thuế để có thể đáp ứng nhu cầu quản lý và hỗ trợ cho cộng đồng DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi dưỡng nguồn thu dài hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.