Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành ngân hàng và những tín hiệu lạc quan

Đức Anh| 19/07/2016 06:59

(HNM) - Thanh khoản tốt, tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch, lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng đều đạt ngưỡng kỳ vọng là những tín hiệu lạc quan của ngành ngân hàng.


Từ các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhỏ đến những ngân hàng lớn, sắc màu u ám không còn bám riết như vài năm trước. Nỗi lo sáp nhập, tái cơ cấu cũng qua đi, "rổ" 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước chưa có thêm cái tên nào, ngành ngân hàng đã vượt qua thời kỳ "bão tố" nhất. Mặc dù không hoàn toàn thuận lợi khi những khoản nợ xấu vẫn đeo bám, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục dành những khoản tiền lớn trích từ lợi nhuận cho dự phòng rủi ro, nhưng những con số thống kê 6 tháng đầu năm đã mang đến một cái nhìn lạc quan.

Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) công bố, 6 tháng đầu năm nay đạt tăng trưởng tín dụng 7,7% (dư nợ 729 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với mức tăng trưởng của toàn ngành. Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 850 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, tổng nguồn vốn đạt 780 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%. Cơ cấu danh mục cho vay của VietinBank tiếp tục có những chuyển dịch tích cực, chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Nhờ đó, VietinBank đạt lợi nhuận 4.273 tỷ đồng, tăng 10,3%.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cũng có kết quả kinh doanh rất lạc quan: Lợi nhuận trước thuế đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ 2015, đạt 52% kế hoạch năm; tổng nguồn vốn huy động là 535 nghìn tỷ đồng, tăng 6,72%. Ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn toàn ngành, với mức 10,76%, đạt 437 nghìn tỷ đồng; tổng dư nợ xấu được xử lý là 2.411 tỷ đồng; các hoạt động dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại đạt 24,8 tỷ USD, tăng 8,34%. Vietcombank tập trung cho vay với đối tượng khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, mục tiêu của Vietcombank là năm 2016 tổng tài sản đạt 765 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2015, dư nợ cho vay tăng 17%, tiền gửi của khách hàng tăng 15%, lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã công bố lợi nhuận đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, với tổng tài sản 888 nghìn tỷ đồng. Tổng nguồn vốn huy động là hơn 820 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động từ tổ chức, dân cư là 705 nghìn tỷ đồng, quy mô tín dụng và đầu tư là hơn 836 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng tăng 8-9%. Dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi sự doanh nghiệp, các dự án trọng điểm quốc gia, các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu, điện, năng lượng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Trong nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ hơn, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), một trong những ngân hàng thành công trong việc tự tái cơ cấu, đã đạt lợi nhuận 205 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro. Riêng với tăng trưởng tín dụng, ngân hàng này đạt tới 18%, mức cao trong hệ thống các ngân hàng. Một số ngân hàng khác, mặc dù chưa đưa ra con số chính thức nhưng lãnh đạo các đơn vị đều khẳng định, kết quả 6 tháng đầu năm nay khá hơn những năm trước nhờ sự hồi phục của nền kinh tế. Tuy nhiên, do tiếp tục phải xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, nên lợi nhuận sẽ không cao.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, chỉ tính riêng các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán, tổng chi phí trích lập dự phòng rủi ro chiếm khoảng 40% lợi nhuận của ngân hàng. Vậy từ nay đến hết năm, hệ thống ngân hàng sẽ ra sao, liệu lợi nhuận ngân hàng có đạt kế hoạch đề ra? Kết quả điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, do Vụ Dự báo - Thống kê, Ngân hàng Nhà nước thực hiện mới đây cho thấy, môi trường kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý III và cả năm 2016. Huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng bình quân 17,57%, trong đó tốc độ tăng trưởng huy động vốn VNĐ từ 18,4% lên 19,1%, dư nợ tín dụng tăng bình quân 20,42%.

Theo dự báo của nhiều công ty chứng khoán, mặt bằng lợi nhuận ngành ngân hàng khó có đột biến, ít nhất đến hết năm 2018, bởi các ngân hàng vẫn phải tập trung xử lý nợ xấu. Trên thực tế, nợ xấu vẫn bị coi là "vật cản" đáng ngại của hệ thống ngân hàng để có thể đạt được lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng như mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành ngân hàng và những tín hiệu lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.