Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng thừa tiền, vì sao lãi suất huy động vẫn tăng?

Hương Thủy| 22/09/2016 14:38

(HNMO)-Lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp trong lịch sử cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào. Tuy nhiên, một số ngân hàng thương mại vẫn tăng lãi suất huy động VND.


Trong tuần qua, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm trở lại ở cả ba loại kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,14% về mức 0,55%/năm; lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần đồng loạt giảm hơn 0,17%, lần lượt về mức 0,66% và 0,89%/năm.

Thanh khoản dồi dào

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng rất thấp trong lịch sử nhiều năm qua (cả ba loại kỳ hạn theo dõi đều dưới mức 1%/năm), song song với diễn biến lãi suất tín phiếu phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ ở mức thấp quanh 0,5%/năm các tuần gần đây cho thấy trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn còn lớn. Như vậy, đã nhiều tuần liên tiếp lãi suất liên ngân hàng giữ ở mức thấp dưới 1%/năm cho thấy ngân hàng đã dư thừa tiền trong thời gian khá dài.

Lãi suất cho vay khó giảm (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


BVSC cho rằng, trạng thái dư thừa của hệ thống xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đó là, cung tiền đồng lớn do NHNN tiếp tục duy trì hoạt động mua dự trữ ngoại hối trong những tuần qua nhờ các điều kiện thuận lợi về nguồn cung ngoại tệ từ thị trường lớn và tỷ giá diễn biến ổn định; tỷ lệ huy động có phần tăng mạnh hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng (tín dụng sau khi tăng trưởng mạnh trong tháng 6 (8,16%), lại có phần giảm tốc trong 2 tháng qua (chỉ đạt 9,09% tính đến 23/8) và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái) khiến sức hấp thụ lượng thanh khoản dư thừa không bắt kịp tốc độ tăng cung tiền đồng từ hệ thống.

Ngoài hai nguyên nhân trên, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bổ sung, các ngân hàng phải thực hiện quy định giữ tỷ lệ cho vay/huy động là 80% nên 20% còn lại họ huy động vào nhưng không cho vay, họ đẩy lên hệ thống liên ngân hàng, do đó tạo ra thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

BVSC dự báo, trạng thái dư thừa thanh khoản nhiều khả năng sẽ còn duy trì và mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp, quanh mức 1% ở cả ba loại kỳ hạn trong vài tuần tới.

Thanh khoản hệ thống dồi dào, hay nói cách khác là ngân hàng dư thừa tiền nhưng lãi suất huy động VND vẫn tăng. Vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua, một số ngân hàng thương mại vừa và nhỏ như VietCapital Bank, VPBank tăng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1-0,3%/năm. Số liệu từ NHNN cho biết, tính đến 9/9, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Lãi suất cho vay khó giảm

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ thanh khoản hệ thống dồi dào nhưng ngân hàng thương mại vẫn tăng lãi suất huy động VND vì thanh khoản ngân hàng dồi dào nhưng chủ yếu là trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2), mà thanh khoản tại thị trường này không hỗ trợ nhiều lắm cho thị trường 1 (ngân hàng huy động vốn, cho vay, cung cấp dịch vụ với cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế) bởi hai thị trường dù có liên kết với nhau nhưng hai nguồn vốn trên hai thị trường khác nhau. Nguồn vốn thị trường 2 là nguồn vốn ngắn hạn, các ngân hàng thương mại sử dụng nguồn vốn này gần như chỉ vay qua đêm hay một tuần để đáp ứng nhu cầu thanh khoản nhanh. Trong khi trên thị trường 1 cho vay dài hạn hơn, kỳ hạn là 1 năm, thậm chí lâu hơn. 

Cũng theo chuyên gia này, một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất VND nhằm cơ cấu lại nguồn vốn vì thời gian tới cần nhiều nguồn vốn trung và dài hạn hơn, do đến đầu năm 2017 các ngân hàng thương mại phải rút tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60 xuống 50%. Một nguyên nhân nữa là từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ được đẩy mạnh nên ngân hàng căn cứ nguồn vốn huy động để tài trợ cho hoạt động tín dụng. “Nợ xấu làm tắc nghẽn dòng chảy của vốn. Khi cho vay, đáng lẽ vốn trở lại ngân hàng, ngân hàng dùng tiền đó để trả cho khách hàng gửi tiền thì do nợ xấu, dòng vốn đó đi ra ngoài và chưa trở lại nên ngân hàng phải huy động đồng vốn mới để trả cho số tiền gửi cũ của khách hàng, tăng lãi suất để hút vốn huy động vốn là cách mà ngân hàng thực hiện nhằm bù đắp cho số tiền không trở lại ngân hàng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra thêm  lý do ngân hàng tăng lãi suất huy động.

Ông nhận định, việc tăng lãi suất huy động VND có thể trở thành xu hướng từ nay đến cuối năm bởi, nếu ngân hàng nhỏ và vừa tăng lãi suất, ngân hàng lớn không tăng có thể mất khách vì khách tìm đến ngân hàng có lãi suất cao hơn. Với diễn biến như vậy, lãi suất cho vay khó có thể duy trì ở mức như hiện nay chứ chưa nói đến việc kỳ vọng giảm, đặc biệt khi mà biên lợi nhuận của ngân hàng hiện đang rất thấp.

Tính đến ngày 9/9, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm. 


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng thừa tiền, vì sao lãi suất huy động vẫn tăng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.