Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng đua nhau báo lãi

Hương Thủy| 29/10/2016 10:10

(HNMO)-Mùa báo cáo tài chính quý III đã đến. Hiện nhiều ngân hàng đã công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III cũng như 9 tháng năm 2016. Kết quả bước đầu cho thấy, lợi nhuận của nhà băng tích cực.

Theo công bố của Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) ngày 28/10, tính đến 30/9/2016, tổng tài sản của SHB đạt hơn 215.000 tỷ đồng, vốn tự có đạt gần 13.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế sau khi trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (SHB đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro gần 2.600 tỷ đồng) đạt 788,5 tỷ đồng, tăng 8,36% so với 9 tháng đầu năm 2015; tổng vốn huy động đạt hơn 198.359 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường I đạt 176.367 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cuối năm 2015, đảm bảo tính thanh khoản trong toàn hệ thống, thể hiện tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng nguồn vốn huy động của SHB.

Sau khi trích lập dự phòng rủi ro gần 2.600 tỷ đồng, SHB  đạt 788,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng


Trong 9 tháng năm 2016, tổng dư nợ đạt hơn 147.340 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2015. Cũng tính đến 30/9/2016, với các biện pháp tích cực, nhà băng này đã thu hồi được hơn 1.520 tỷ đồng nợ xấu, chất lượng tín dụng tốt với tỷ lệ nợ xấu 2,25% (dưới 3% theo quy định).

Trong quý 3/2016, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận lợi nhuận tích cực khi tổng thu nhập hoạt động tăng 28% so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Techcombank đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Techcombank, có được kết quả này là nhờ mức tăng trưởng dư nợ cho vay ấn tượng dẫn tới thu nhập lãi thuần tăng 21%. Ngoài ra, thu nhập từ phí và các hoạt động khác cũng đạt mức tăng trưởng 50%.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ tầng lớp trung lưu, mảng dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân đã gia tăng dư nợ cho vay mua nhà và mua ô tô, qua đó thúc đẩy tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân. Hiện tại, dư nợ cho vay khách hàng cá nhận chiếm 43,5% tổng danh mục của ngân hàng. Đây chính là định hướng của ngân hàng với chiến lược tập trung phát triển mảng ngân hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay của nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn chiếm gần 37% tổng danh mục ngân hàng.

Đối với huy động tiền gửi, huy động 9 tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tiền gửi không kỳ hạn tăng nhanh hơn tiền gửi có kỳ hạn, góp phần tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng huy động lên mức 18,5%. Tăng trưởng huy động mạnh mẽ là tiền đề giúp Techcombank tăng trưởng danh mục cho vay, trong khi vẫn đảm bảo tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 70,4%, tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng nhà nước.

Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm xuống còn 1,81%. Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục chú trọng kiểm soát chi phí đến hết năm. Tổng tài sản của ngân hàng đạt 222,770 tỷ đồng, tăng 27%.

Chia sẻ về kết quả tích cực trên, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết: Chúng tôi chỉ mới bắt đầu hành trình 5 năm chuyển đổi từ năm 2016. Kết quả kinh doanh quý 3 năm 2016 là minh chứng rõ nét cho dấu mốc thành công mới trên hành trình chúng tôi đã chọn.

Mức lãi 9 tháng năm 2016 của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienVietPostBank) đã gần đạt kế hoạch cả năm. Trong quý III, lợi nhuận sau thuế của LienVietPostBank đạt hơn 330 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 865 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần 9 tháng đầu năm 2015, tương đương 94,5% kế hoạch cả năm 2016.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng đua nhau báo lãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.