Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ “cú bắt tay” chiến lược

Hoàng Lan| 19/12/2017 18:59

Là một trong những thương hiệu uy tín, sự kiện Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) thực hiện IPO được coi là thông tin hấp dẫn với giới đầu tư tài chính.

Tìm kiếm nhà đầu tư có tiềm lực

Theo Quyết định số 1558/QĐ-UBND Ngày 7-3-2017 của UBND TP Hà Nội, thành phố đã phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Theo Quyết định này, nhà đầu tư chiến lược phải có năng lực tài chính đáp ứng một số tiêu chí cụ thể như: Có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính (được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập) thời điểm gần nhất trên 2.000 tỷ đồng, không có nợ xấu, có chỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần theo báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2015, có lợi nhuận ròng sau thuế dương trong 2 năm (2014-2015) và trên báo cáo tài chính gần nhất năm 2016.


UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu, nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện phải là doanh nghiệp kinh doanh không vi phạm pháp luật, chứng minh được nguồn tài chính có giá trị tối thiểu bằng giá trị cổ phần đăng ký mua. Cụ thể: Phải cam kết đặt cọc 30% và có thư bảo lãnh của ngân hàng đối với 70% nguồn tài chính đăng ký mua cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược khi được Chính phủ phê duyệt (theo giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu); thực hiện mua cổ phần đã đăng ký sau khi đấu giá cổ phần công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư không được nhận lại tiền đặt cọc.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư chiến lược phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, đặc biệt ưu tiên đối với lĩnh vực kinh doanh về xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ hoặc đang sở hữu doanh nghiệp khác kinh doanh xuất nhập khẩu, phát triển thị trường nội địa, có hệ thống thương mại bán lẻ phù hợp ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty. Trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hapro, các nhà đầu tư cũng phải cam kết cùng công ty cổ phần kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, các tồn tại của Tổng công ty và cam kết xử lý tất cả các tồn tại của Tổng công ty chưa được xử lý tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần theo quy định của pháp luật.

Phương án sắp xếp lao động của Hapro cũng được UBND TP Hà Nội tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 630 người; tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 550 người; tổng số lao động dôi dư là 80 người, trong đó 79 người sẽ được sắp xếp theo chính sách với lao động dôi dư và một viên chức tinh giản theo chính sách tinh giản biên chế.

65% cổ phần Hapro sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược

Đầu tháng 12 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ -Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Hình thức cổ phần hóa sẽ là kết hợp hai hình thức: bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và phát hành thêm để tăng vốn điều lệ.

Thông tin về vệc mời gọi nhà đầu tư chiến lược của Hapro được đăng tải chi tiết tại website của Tổng công ty tại địa chỉ http://www.haprogroup.vn/thu-moi-nha-dau-tu/ và website của Sở Tài chính Hà Nội: http://sotaichinh.hanoi.gov.vn/sotaichinh


Theo tính toán, vốn điều lệ của Hapro hiện là 2.200 tỷ đồng tương ứng 220 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần. 65% vốn điều lệ tương đương 143 triệu cổ phần của Hapro sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược; gần 76 triệu cổ phần sẽ đấu giá công khai (34,51% vốn điều lệ). Trên một triệu cổ phần (0,49% vốn điều lệ) được bán ưu đãi cho người lao động. Mức giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là 12.800 đồng một cổ phần.


Là một trong những thương hiệu uy tín trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Hapro cũng nằm trong danh sách 16 doanh nghiệp mà TP Hà Nội sẽ thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020. Nhiều năm qua, kết quả kinh doanh của Hapro luôn duy trì ở mức ổn định.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Hapro cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đang tích cực triển khai tìm nhà đầu tư chiến lược. Doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục mời gọi nhà đầu tư theo đúng quy định. Cụ thể từ ngày 11-13/12, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã đăng thông tin này trên các báo Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Kinh tế & Đô thị, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, Truyền hình thông tấn xã Việt Nam. Đồng thời Hapro cũng đã đăng tải thông tin trên website của Hapro tại địa chỉ www.Haprogroup.vn và website Sở Tài Chính từ ngày 11/12/2017. Mong muốn của Hapro là tìm được một nhà đầu tư có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại dịch vụ.

Đặc biệt, trong lần thoái vốn này, nhà nước sẽ không nắm giữ vốn tại Hapro nữa. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực tài chính vững mạnh, sở hữu công nghệ kinh doanh hiện đại, cùng hợp sức với Tổng Công ty tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trên cả hai lĩnh vực: xuất nhập khẩu và thương mại nội địa. Với “cú bắt tay” chiến lược này, Hapro mong muốn sẽ phát triển bền vững hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại Thủ đô và thị trường xuất khẩu, tiếp tục khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ “cú bắt tay” chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.