Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự ổn định quan trọng

Hà Linh| 27/02/2018 07:29

(HNM) - Sự biến động của tỷ giá là một trong những mối quan tâm lớn nhất không chỉ của doanh nghiệp mà còn của người dân...


Tỷ giá năm 2018 sẽ tiếp tục ổn định.Ảnh: Khánh Huy


Có thể tăng 1-2%

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - tài chính và triển vọng năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) năm 2017 khá ổn định do USD mất giá trên thị trường quốc tế (chỉ số USD Index giảm 9,1% so với đầu năm). Ngoài ra, góp phần cho thị trường ngoại hối ổn định còn do chênh lệch giữa lãi suất VND và USD ở mức lớn (khoảng 6-7%), nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nghiêng về việc nắm giữ VND. Huy động ngoại tệ tăng thấp, ước khoảng 4% so với cuối năm 2016, trong khi Ngân hàng Nhà nước mua được khoảng 7 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng, do vậy, có thể một lượng lớn ngoại tệ đã được các tổ chức kinh tế và cá nhân bán để chuyển sang VND.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, nhờ việc Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối ổn định, cung ứng tiền ròng khoảng 124 nghìn tỷ đồng từ đầu năm 2018 đến nay. Đối với thị trường ngoại hối, dự báo tỷ giá năm 2018 sẽ tiếp tục ổn định, tuy nhiên, tần suất tăng lãi suất của FED trong năm 2018 sẽ nhiều hơn, tạo kỳ vọng đồng USD tăng giá trở lại. Tỷ giá USD/VND có thể điều chỉnh tăng khoảng 1,5-2%.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, khả năng FED tăng lãi suất trong năm 2018 là rất cao. Bởi các tín hiệu cho thấy, FED sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhiều hơn là nới lỏng. Khi lãi suất USD được FED điều chỉnh tăng trong năm 2018 ngay lập tức sẽ có những tác động đến tỷ giá USD/VND. Tỷ giá USD/VND trong năm nay nên được điều chỉnh tăng trong biên độ 1-2% là hợp lý.

Có lợi cho xuất khẩu

Mức tăng 1-2% của tỷ giá không phải là nhỏ và sẽ khiến doanh nghiệp phải gánh thêm một khoản chi phí. Song, trên thực tế, không thể giữ mãi tỷ giá USD/VND ở mức thấp, vì điều này không phù hợp với tình hình kinh tế thế giới khi lãi suất USD tăng lên. Mặt khác, nếu tỷ giá phải điều chỉnh do đầu cơ, hay tâm lý "găm" giữ của người dân và doanh nghiệp mới là đáng ngại, còn việc tỷ giá được điều chỉnh do những yếu tố khách quan là hoàn toàn bình thường. Bên cạnh đó, việc đưa ra dự báo sẽ giúp doanh nghiệp có sự chuẩn bị để không bị “sốc” trước những biến động của tỷ giá.

Chưa kể, nếu tỷ giá USD/VND không được điều chỉnh tăng sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Bởi tỷ giá thấp sẽ khuyến khích nhập khẩu, khiến các sản phẩm trong nước có thể gặp bất lợi trong cạnh tranh, nhất là khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong năm 2018. Do đó, tăng tỷ giá sẽ giúp ngăn chặn được hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam và có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu. Mặc dù trên quan điểm của chính sách tiền tệ, VND giữ được sự ổn định sẽ tạo niềm tin cho người dân và tổ chức kinh tế, song, xét về ngoại thương thì không có lợi, đặc biệt khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, tỷ giá vẫn có những yếu tố hỗ trợ lớn, đó là việc Ngân hàng Nhà nước đã mua vào được lượng dự trữ ngoại hối kỷ lục, tính đến giữa tháng 1-2018 đạt 54,5 tỷ USD, bảo đảm cho Ngân hàng Nhà nước có khả năng can thiệp kịp thời vào thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá trung tâm cũng tiếp tục là điểm nhấn hỗ trợ điều hành tỷ giá năm 2018, góp phần giảm áp lực của USD đối với diễn biến của VND. Ngoài ra, việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng dòng tiền đầu tư vào Việt Nam cũng góp phần đẩy mạnh lượng dự trữ ngoại hối lên cao. Dự kiến, trong năm 2018 sẽ có nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ thu hút lượng tiền đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, "bức tranh" tỷ giá và thị trường ngoại hối năm 2017 là tích cực; tâm lý và kỳ vọng của thị trường ngoại hối được kiềm chế nhiều so với năm 2016 và năm 2015, nhờ cách thức điều hành tỷ giá linh hoạt. Tỷ giá trung tâm được công bố hằng ngày, có tăng có giảm, nên hạn chế xu hướng găm giữ ngoại tệ. Cũng trong năm 2017, thực hiện chủ trương thoái vốn tại các doanh nghiệp và tập đoàn lớn nên nguồn ngoại tệ tương đối dồi dào. Ngân hàng Nhà nước đã mua lượng ngoại tệ lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Khi thị trường tiếp nhận lượng lớn ngoại tệ đòi hỏi phải điều hành khéo léo. Vì thế, thời gian qua, khi đưa tiền ra mua lượng lớn ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện đồng bộ các công cụ khác để hút tiền về nhằm duy trì lạm phát cơ bản ở mức trung bình. Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chú trọng việc này.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, trong điều hành tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến động thái tăng lãi suất của FED hoặc diễn biến của các đồng tiền trên thế giới, nhất là đồng tiền của những nước có quan hệ thương mại, đầu tư với Việt Nam để điều hành linh hoạt. Tuy nhiên, việc kiểm soát tiền tệ không chỉ đòi hỏi điều hành của Ngân hàng Nhà nước, mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự ổn định quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.