Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ vụ lập facebook giả danh kích động bạo lực: Cần thêm có hành lang "mềm"!

Việt Nga| 27/11/2015 06:40

(HNM) - Việc giả danh để đùa cợt này lại có thể gây ra những tác hại khôn lường cho an ninh mạng, thậm chí đe dọa an ninh của đất nước.

Đáng nói, việc giả danh để đùa cợt này lại có thể gây ra những tác hại khôn lường cho an ninh mạng, thậm chí đe dọa an ninh của đất nước. Cũng từ vấn đề này đặt ra cho cộng đồng mạng về hành động, ứng xử như thế nào trên môi trường internet?

Việc tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, trong sử dụng facebook và mạng xã hội là rất cần thiết.


Thông tin ban đầu xác định, một thanh niên người Việt Nam đã lập tài khoản facebook, lấy tên là Timur Zhunusov và nhận là thành viên tổ chức khủng bố IS. Tài khoản giả mạo này đã nhận được hàng ngàn comments (bình luận) từ các tài khoản khác trong nước, trong đó không ít bình luận với lời lẽ chửi bới, thách thức và phỉ báng tôn giáo. Không ít người đã sao chép, lập ra trang mới để đùa cợt, câu "like"… Ngay thời điểm đó, cộng đồng mạng và dư luận đã bày tỏ sự bức xúc, lo lắng trước tư tưởng kích động bạo lực, bài xích tôn giáo trên mạng và những hệ lụy của nó. Bị phản đối, tài khoản này đã đóng. Tuy nhiên, cơ quan công an đã vào cuộc để đấu tranh với các đối tượng lập facebook giả này.

Không phải đến bây giờ mới xuất hiện tình trạng giả mạo trên facebook. Từ khi ra đời đến nay, facebook và mạng xã hội vẫn thường có trang thông tin giả "ăn theo" sự kiện, hoặc người nổi tiếng. Song, trong vụ giả danh facebook thành viên tổ chức IS lần này có sự khác biệt rất lớn so với những hiện tượng giả mạo, câu view khác. Đặc biệt, nó nguy hiểm ở chỗ, có thể là căn nguyên dẫn đến nhiều bình luận kích động bạo lực, bài xích tôn giáo, thách thức khủng bố… gây ra những nguy hại về an ninh mạng và an ninh đất nước. Cũng không loại trừ yếu tố có đối tượng xấu lợi dụng, dùng lời lẽ thách thức, gây sự chú ý của hacker, khiến họ phát động các cuộc tấn công mạng, gây hậu quả tiêu cực cho hệ thống mạng trong nước; hoặc có ý đồ gây rối an ninh trật tự và thông qua đó gây bất ổn cho đất nước.

Đến đây câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý nhà nước có các biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này? Hiện nay, mới chỉ có Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định những hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, tại Điều 5, nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng internet để đưa tin xuyên tạc, vu khống, xâm phạm uy tín của tổ chức và danh dự của cá nhân; nghiêm cấm việc lợi dụng internet và thông tin trên mạng để chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chiến tranh, khủng bố, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo...

Gần đây nhất, ngày 19-11, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực từ 1-7-2016), trong đó tại Điều 8 quy định, cấm thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo trên internet. Như vậy, có thể hiểu là các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc sử dụng thông tin trên internet đã có. Căn cứ theo các quy định này, các cá nhân lập facebook giả mạo và đưa bình luận có tính chất kích động bạo lực, bài xích tôn giáo như trên, tùy theo mức độ, sẽ bị coi là vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định.

Nhưng có một thực tế là môi trường internet hội tụ, phản chiếu đầy đủ, muôn mặt của đời sống xã hội song khác biệt cơ bản với đời sống thực. Internet là "ảo", là không biên giới… để từ đó hiểu rằng quản lý, kiểm soát môi trường internet không hề dễ dàng, đơn giản. Mặt khác, theo quy định quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, các nhà cung cấp mạng xã hội không đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng hoàn toàn có quyền cung cấp dịch vụ cho người dùng Việt Nam, thu quảng cáo từ doanh nghiệp (DN) Việt Nam, mà không phải đóng thuế tại Việt Nam nên cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam rất khó có những yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ. Chưa kể, có những dịch vụ chúng ta chưa cấp phép, nhưng DN trong nước, hoặc nước ngoài hoàn toàn có quyền chuyển máy chủ đặt tại nước ngoài để cung cấp dịch vụ về cho người dùng trong nước (game online là ví dụ)…

Một vài dẫn chứng như vậy để thấy rằng, bên cạnh các quy định pháp luật, vẫn cần đến việc tuyên truyền, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc ứng xử trên môi trường mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng. Mới đây nhất, trong cuộc họp giữa Bộ TT-TT với các DN quản lý, vận hành mạng xã hội, trang thông tin điện tử, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, cơ quan quản lý nhà nước thành lập bộ quy tắc ứng xử đạo đức cho mạng xã hội. Đây được hiểu là những quy chuẩn "mềm" giúp cộng đồng mạng biết được nên và không nên làm gì trên môi trường mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ lập facebook giả danh kích động bạo lực: Cần thêm có hành lang "mềm"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.