Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà mạng thử nghiệm công nghệ 4G: Chính sách một đằng, thực hiện một nẻo

Việt Nga| 25/12/2015 06:58

(HNM) - Bên cạnh việc thử nghiệm 4G của các nhà mạng cũng đặt ra một số câu hỏi với cơ quan quản lý.


Để thử nghiệm 4G, Viettel đầu tư gần 200 trạm phát sóng (BTS) 4G phủ toàn bộ khu vực dân cư của TP Vũng Tàu, TP Bà Rịa và huyện Long Điền (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); thực hiện đổi sim miễn phí để khách hàng trải nghiệm các dịch vụ tiện ích trên nền 4G (xem phim HD, nghe nhạc trên nền 4G, xem phim và các kênh trên nhiều màn hình điện thoại, máy tính bảng). Viettel cũng công bố tốc độ 4G tại Vũng Tàu đạt trung bình từ 40Mb đến 80Mb/giây, cao hơn 7 lần so với tốc độ trung bình của 3G, trong đó tại một số điểm tốc độ có thể đạt đến 230Mb/giây, gần với tốc độ lý tưởng theo lý thuyết (công nghệ 4G LTE-A cao cấp hiện nay có thể đạt tốc độ download 300Mb/giây, upload 150Mb/giây). Viettel cho biết, lý do chọn Vũng Tàu làm điểm thử nghiệm 4G vì đây là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa, du lịch trọng điểm của khu vực phía Nam nên dịch vụ mới sẽ giúp người dân, du khách có được trải nghiệm mới.


Vậy còn hai nhà mạng khác là VNPT - VinaPhone và MobiFone cùng được cấp phép thử nghiệm 4G thì sao? Theo thông tin được biết, ban đầu VinaPhone dự kiến kế hoạch thử nghiệm 4G tại Phú Quốc vào cuối tháng 12-2015. Tuy nhiên, vì muốn chuẩn bị hạ tầng kỹ lưỡng nên nhà mạng này chưa chính thức công bố thời gian thử nghiệm. Trong khi đó, MobiFone dự kiến sẽ thử nghiệm dịch vụ 4G trong quý I-2016.

Việc Viettel tiên phong thử nghiệm dịch vụ mới là không bất ngờ vì bên cạnh các yếu tố lợi thế là doanh nghiệp (DN) quân đội lại có nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc phòng nên thuận lợi trong nhập khẩu thiết bị mạng lưới thì nhà mạng này cũng có doanh thu, lợi nhuận "khủng", từ đó có nguồn lực tái đầu tư mạnh. Song, cũng từ đó đặt ra một số vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) một số vấn đề.

Thứ nhất, sự chậm trễ của cả hai nhà mạng lớn VNPT - VinaPhone, MobiFone có phải là sự chưa sẵn sàng? Và như vậy thì có hay không câu chuyện khi các nhà mạng chưa sẵn sàng mà cơ quan quản lý đã cho phép thử nghiệm (làm căn cứ để cấp phép trong thời gian tới)? Khi nói về thời điểm triển khai 4G ở Việt Nam, bên cạnh không ít ý kiến chuyên gia, đại diện các hãng công nghệ cho rằng, thời điểm thích hợp để cấp phép 4G là năm 2016. Hoặc, nếu không sớm triển khai Việt Nam có thể bị tụt hậu…

Tuy nhiên, có không ít ý kiến, trong đó đáng chú ý nguyên Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng đặt vấn đề các nhà mạng trong nước chỉ nên làm khi xem xét nhu cầu của người dùng, tránh việc triển khai 4G chỉ để lấy tiếng. Bởi, từ thực tế khi thế giới triển khai 3G từ năm 2000, song đến cuối năm 2009, đầu năm 2010 Việt Nam mới chính thức cung cấp dịch vụ 3G tới khách hàng và đó là thời điểm thích hợp khi giá thiết bị, đặc biệt là máy đầu cuối đã giảm mạnh - phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Tương tự như vậy, việc triển khai 4G cũng được nguyên lãnh đạo Bộ TT-TT khuyến cáo các nhà mạng cần đánh giá kỹ về nhu cầu để có những đầu tư, tránh lãng phí…

Thứ hai, trong Công văn số 1170 ngày 27-8-2015 của Cục Viễn thông gửi 4 DN cung cấp dịch vụ di động về việc cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ LTE/LTE-A, trong đó nêu rõ, các nhà mạng được thử nghiệm tại 3 tỉnh, thành phố, mỗi nơi không được thiết lập quá 100 trạm BTS 4G. Tuy nhiên, trong công bố của Viettel, nhà mạng này lại thử nghiệm tới gần 200 trạm BTS. Từ đây đặt ra một số câu hỏi: Cục Viễn thông là cơ quan quản lý nhà nước, khi ban hành văn bản hướng dẫn DN thực hiện về mặt kỹ thuật phải chăng không sát so với thực tế? Vì quy định DN chỉ được thiết lập 100 trạm BTS 4G, nhưng Viettel phải dựng tới gần 200 trạm mới thực hiện thử nghiệm để có kết quả tốt. Thêm nữa, việc Cục Viễn thông ra quy định rất cụ thể DN chỉ được dựng không quá 100 trạm BTS/địa phương còn liên quan đến câu chuyện nhập khẩu thiết bị, làm thủ tục hải quan, xin cấp phép dựng trạm BTS ở các tỉnh, thành… Vậy, nếu các nhà mạng đều đồng loạt làm vượt quy định, vô hình trung các cơ quan chức năng nhà nước bị "qua mặt"? Còn ngược lại, nếu văn bản hướng dẫn được tính toán kỹ, các DN thử nghiệm không đúng quy định, Cục Viễn thông sẽ có biện pháp xử lý thế nào?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà mạng thử nghiệm công nghệ 4G: Chính sách một đằng, thực hiện một nẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.