Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người đã làm gương như thế đó !

ANHTHU| 14/06/2007 09:17

(HNM) - Bức ảnh và đoạn phim tài liệu ghi lại hình ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn cách đây 49 năm vẫn gây xúc động cho đông đảo người xem.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn cùng nhân dân thôn Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì (1-1958)

(HNM) - Bức ảnh và đoạn phim tài liệu ghi lại hình ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn cách đây 49 năm vẫn gây xúc động cho đông đảo người xem. Bảo tàng Cách mạng Việt Nam hiện đang lưu giữ chiếc gầu tát nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng khitham gia tát nước chống hạn trên cánh đồng thôn Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thanh trì, Hà Nội) vào ngày 12-1-1958.

Chiếc gầu dai này là hiện vật quý của Bảo tàng, mang kí hiệu 160/ĐM28, hiện đã cũ, một số nan đã bị gẫy mục do thời gian. Các nan tre đan vẫn còn vương màu bùn đất. Đoạn dây thừng sờn mòn do được dùng nhiều trong chống hạn. Đây cũng là một hiện vật gắn liền với kỷ niệm mà bà con nông dân xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì không thểnào quên. Ngay sau Hội nghị đẩy mạnh công tác chống hạn của tỉnh Hà Đông, Bác Hồ đã về thăm và trực tiếp tham gia tát nước tại xã Đại Thanh. Sự kiện này được ghi lại bởi bức ảnh chụp rất rõ nét, rất tự nhiên và ấn tượng,hiện cũng đang được lưu giữ tạiBảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Đúng 8 giờ 25 phút ngày 12-1-1958, không báo trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một đoàn cán bộ Trung ương đã đến xã Đại Thanh.Đến nơi thấy nông dân đang cùng bộ đội chống hạn bằng nhiều dụng cụ khác nhau như guồng nước, gầu sòng, gầu dai, Người tự tay xách dép, xắn quần và nhanh nhẹn lội xuống đồng. Các chiến sĩ bộ đội đang ở đó đề nghị lấy đất khô rải xuống đường để đi đỡ trơn nhưng Bác không đồng ý. Lúc đầu, Người định tới đạp guồng nước nhưng nhìn thấy một cụ già đang tát nước ở phía trước, liền đề nghị cụ cho Người được tát nước chống hạn bằnggầu dai. Gầu này phải có hai người cùng so dây để múc cho đầy gầu và kéo lên. Rất nhiều người muốn được cùng tát đôi với Bác nhưng Người đã chỉ đích danh đồng chí Vũ Quý - Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Thấy đồng chí Vũ Quý còn lóng ngóng, Bác vừa làm vừa hướng dẫn: “Phải kéo bằng dây trên, đổ bằng dây dưới”. Tát nước xong, để tránh làm phiền nhân dân đang chống hạn suốt dọc bờ mương, Bác đã lội qua lòng mương sang bờ bên kia để đi tiếp kiểm tra công tác chống hạn.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia tát nước chống hạn đã có sức động viên rất lớn nhân dân xã Đại Thanh. Cũng từ đó, phong trào “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” đã được phát động, nhân rộng và lan tỏa rấthiệu quả. Cuối năm 1958, Đại Thanh đã đạt tiêu chuẩn là xã mẫu xây dựng thành công hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Hà Đông.

Chiếc gầu có kích thước và hình dáng giản dị như bao chiếc gầu khác mà nông dân ta thường dùng. Nhưng ý nghĩa của nó về việc làm gương trong lao động của một vị Chủ tịch nước thì thậtlớn lao và vô cùng xúc động. Người bận trăm công nghìn việc, nhưng không quên một thao tác lao động giản đơn. Người đã làm gương và thuyết phục mọi người bằng những việc làm cụ thể. Người đứng choãi chân đúng tư thế, so dây gầu một cách thuần thục, như một nông dân thực thụ, trong bao ánh mắt thán phục của bà con và bộ đội vây xung quanh.

Bức ảnh cùng với chiếc gầu tát nước ở bảo tàng mãi là một hình ảnh, một minh chứng chân thực nhất về một con người kiệt xuất luôn biết cách bằng chính sự nỗ lực và giản dị của mình đã chiếm được lòng tin yêu của mọi người. Nhìn lại Chiếc gầu tát nước cùng với bức ảnh lịch sử hiện đang được trưng bày thường trực tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, chúng ta càng kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, càng thấm thía “Lao động là vinh quang!”…

Lê Minh Độ

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người đã làm gương như thế đó !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.