Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng con người là vấn đề cốt lõi

Thái Sơn| 03/09/2015 07:13

(HNM) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vấn đề con người và xây dựng con người Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động, ở bất kỳ giai đoạn nào, trong lĩnh vực nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều quan tâm đến vấn đề xây dựng con người - Con người là động lực của cách mạng,



Điều đó thể hiện rõ trong tư tưởng của Người cũng như được phản ánh sâu sắc trong bản Di chúc thiêng liêng Người để lại trước lúc đi xa. Thời điểm này, cả nước đang tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, thực hiện vấn đề xây dựng con người theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Và đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định toàn bộ những việc lớn của xã hội, của cách mạng đều gắn với con người, Người viết: "Đầu tiên là công việc đối với con người" và Người đã gạch chân hai chữ "con người" bằng mực đỏ ở bản Di chúc viết tay tháng 5-1968. Vấn đề xây dựng con người cũng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập: "Vì lợi ích mười năm trồng cây; Vì lợi ích trăm năm trồng người"; "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết"… Đặc biệt, trong buổi nói chuyện với sinh viên và cán bộ Việt Nam đang học tập và công tác ở Mátxcơva ngày 29-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Muốn xây dựng chủ nghĩa cộng sản phải có những con người cộng sản chủ nghĩa, nghĩa là phải có người có đạo đức cộng sản. Nước ta cũng áp dụng đúng tinh thần như thế: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có những con người xã hội chủ nghĩa, tức là phải có những người có đạo đức xã hội chủ nghĩa".

Và để bồi dưỡng, xây dựng và đào tạo được những con người thực sự có đạo đức, phẩm chất, năng lực mà đất nước đang cần, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần bắt đầu từ xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cốt lõi tính tiền phong của đảng viên là sự "kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân".

Vì lẽ đó, cán bộ, đảng viên phải là những con người toàn diện cả đức và tài, trong đó Người rất nhấn mạnh đến sự tận tụy, đức hy sinh vì nhân dân của từng đảng viên. Người thường nói ngắn gọn: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau" hoặc "Trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ "cộng sản" mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức".

Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đảng có vững, cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới chạy". Đặc biệt, khi trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng được đặt ra cấp thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Đảng sẽ không giữ vững được địa vị lãnh đạo nếu quyền lực bị tha hóa, cán bộ, đảng viên bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, dẫn tới lộng quyền, lạm quyền, tham quyền… đánh mất niềm tin của nhân dân, xa rời đạo đức cách mạng". Tại bản Di chúc lúc khởi thảo năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Trước hết nói về Đảng", năm nào Người cũng có sửa chữa, nhưng bản sửa năm 1968 là bản sửa chữa quan trọng. Từ "trước hết nói về Đảng", Người sửa lại thành "việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng". Thực hiện công việc đó là nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Chỉ có chỉnh đốn Đảng để sự lãnh đạo của Đảng đúng đắn mới có khả năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề của nhân dân, của đất nước.

Để nâng cao trách nhiệm với Đảng, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, phải thực hiện tốt 5 điều "nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm", tuyệt đối chấp hành nghị quyết và kỷ luật Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi đảng viên không chỉ nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với Đảng, mà quan trọng hơn là những trách nhiệm ấy phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thường xuyên, liên tục. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trách nhiệm của người đảng viên với nhân dân được bắt nguồn từ nguyên lý: "Nước lấy dân làm gốc", "Sự nghiệp cách mạng là do nhân dân tiến hành", "Nhân dân là người làm ra lịch sử"… Đảng viên phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân nắm vững đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện thắng lợi các đường lối, chính sách ấy. Vì vậy, trong mọi phong trào, mọi nhiệm vụ, đảng viên đều phải tiên phong, gương mẫu làm trước để quần chúng noi theo. Sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò rất to lớn để biến đường lối, chủ trương của Đảng thành hiện thực. Người nhấn mạnh: "Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng… Muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên, từ việc làm, lời nói đến cách ăn ở đều phải gương mẫu". Bên cạnh đó, muốn lãnh đạo được quần chúng nhân dân thì đảng viên phải sâu sát, gần gũi quần chúng, chăm lo giúp đỡ quần chúng về mọi mặt; phải "trọng dân, sát dân, tin dân", lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, phấn đấu sao cho "dân phục, dân tin, dân yêu"…

Nêu vậy để thấy, việc xây dựng con người, trong đó cốt lõi là xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên để thực hiện tốt vai trò của Đảng cầm quyền trong tư tưởng và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề mang tính thời sự sâu sắc, có tác động quan trọng tới đời sống xã hội. Vấn đề xây dựng con người Việt Nam hiện nay đang là trung tâm trong "chiến lược phát triển toàn diện"; đang là động lực của công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội". Thực tế cho thấy, với một số địa phương, tiêu biểu là Thủ đô Hà Nội, việc chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, nâng cao năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp, lấy chất lượng và hiệu quả công việc thực tế làm thước đo để đánh giá cán bộ đảng viên... thông qua những chương trình, đề án trọng tâm, xuyên suốt nhiệm kỳ 2010-2015 đã mang lại những hiệu quả tích cực trong hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời củng cố lòng tin của người dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền. Tuy nhiên, thực hiện vấn đề xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn lực con người, phát huy nhân tố con người trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với những trở ngại, thách thức. Cụ thể là "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi". Do đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cá nhân cần nghiêm túc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng con người để đề ra những nội dung, biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tế nhằm bồi dưỡng, phát huy tốt nhất nguồn lực con người phục vụ công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng con người là vấn đề cốt lõi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.