Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút tiềm năng trí thức kiều bào: Khơi nguồn lực quý

Thùy Linh| 29/09/2012 06:36

(HNM) - Trí thức người Việt ở nước ngoài là một nguồn lực quý báu đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) của đất nước. Với lòng yêu nước luôn hướng về quê hương, họ sẵn sàng trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, công tác thu hút trí thức kiều bào đóng góp xây dựng đất nước cho đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

* Kiều bào đóng góp xây dựng Trường Sa
(HNM) - Trí thức người Việt ở nước ngoài là một nguồn lực quý báu đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) của đất nước. Với lòng yêu nước luôn hướng về quê hương, họ sẵn sàng trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, công tác thu hút trí thức kiều bào đóng góp xây dựng đất nước cho đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Dự án quần thể khu du lịch sinh thái Bà Nà Hills (thuộc Tập đoàn Sun Group) do các doanh nhân người Việt ở Ukraine đầu tư xây dựng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Tiềm năng phong phú

Ông Trần Tuấn Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) cho biết, hiện có gần 400.000 chuyên gia, trí thức NVNƠNN có trình độ đại học trở lên và là các chuyên gia tay nghề cao, tập trung ở các nước phát triển. Ở thung lũng Silicon của Mỹ hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam làm việc, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao do người Việt Nam làm chủ. NVNƠNN làm việc ở hầu hết các ngành và lĩnh vực như điện tử, sinh học, vật liệu mới, công nghệ mới, tin học, hàng không, vũ trụ, hải dương… Tuy nhiên sự đóng góp của trí thức kiều bào với đất nước vẫn còn hạn chế. Hằng năm, chỉ có khoảng 300 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn và tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học. Những năm gần đây, hầu hết trí thức kiều bào về nước đóng góp thuộc thế hệ thứ nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ có mối liên hệ với các trí thức thuộc lớp này, ít có khả năng vận động các trí thức thế hệ trẻ, những người được đào tạo chính quy, tiếp cận với môi trường khoa học tiên tiến, hiện đại về đóng góp cho đất nước.

Chiều 28-9, Hội nghị NVNƠNN lần thứ hai đã bế mạc. Sau hai ngày làm việc, hội nghị đã đưa ra những khuyến nghị, đề xuất, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Các kiều bào đã kiến nghị Nhà nước bổ sung hoàn thiện chính sách cho NVNƠNN nhất là các vấn đề như giữ quốc tịch Việt Nam, mua nhà, chế độ hưu trí và bảo hiểm cho NVNƠNN về Việt Nam sinh sống. Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát, sửa đổi, đặc biệt là cải cách hành chính, cần thu hút trí thức kiều bào bằng những chính sách đột phá để NVNƠNN có điều kiện về phục vụ quê hương... Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết, những ý kiến đóng góp quý báu, đại diện cho 4,5 triệu kiều bào sẽ được chi tiết trong các báo cáo gửi lên các bộ, ban, ngành và Chính phủ làm cơ sở để hoàn chỉnh và triển khai hiệu quả công tác NVNƠNN nhằm tiến tới xây dựng một cộng đồng NVNƠNN vững mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam và xây dựng đất nước.

Kết thúc hội nghị, các kiều bào cũng đã cùng đóng góp để xây dựng, Trường Sa và ủng hộ nạn nhân chất độc da cam.
Theo GS Hà Tôn Vinh (Việt kiều Mỹ), trí thức kiều bào chưa mặn mà quay về vì cho đến nay vai trò của trí thức ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước vẫn chưa được đề cao. Tuy nhiên, trí thức nào cũng mong muốn và sẵn sàng đóng góp tài năng và sức lực cho quê hương. Kinh nghiệm ở các nước Châu Á có nhiều kiều bào cho thấy, trí thức hải ngoại đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp CNH-HĐH. Hàn Quốc bắt đầu mời gọi trí thức gốc Hàn ở hải ngoại từ những năm 70 với những đãi ngộ xứng đáng, công việc rõ ràng và sau 30 năm đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ 13 thế giới. Trung Quốc cũng tiến rất nhanh để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau 10 năm mời gọi trí thức Hoa kiều. Trong khi đó, Việt Nam cho đến nay vẫn đang còn phải thảo luận các phương cách mời gọi sự đóng góp của trí thức kiều bào cho sự phát triển của đất nước.

Cần môi trường làm việc, cơ chế thông thoáng

GS Hà Tôn Vinh cho rằng, trí thức Việt kiều không cần ưu đãi về tài chính mà chỉ cần các cơ chế thông thoáng. Bên cạnh đó, cũng cần chứng tỏ cho kiều bào thấy các cơ hội phát triển ở Việt Nam để họ về nước tham gia đầu tư, nghiên cứu. Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Philippines) cho rằng, để có thể khai thác hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào, Chính phủ cần có chính sách thu hút nhân tài cụ thể. Đặc biệt, Việt kiều bây giờ không chỉ có lớp người lớn tuổi mà là thế hệ trẻ, thế hệ thứ hai, thứ ba. Chính thế hệ trẻ này là nguồn lực mới, tiếp nối của cộng đồng NVNƠNN, là đối tượng quan trọng của công tác vận động kiều bào trong tương lai để khai thác nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, đặc điểm của thế hệ này là phần lớn được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, ít có cơ hội tiếp cận với văn hóa, phong tục tập quán và truyền thống của dân tộc, vì vậy, chính sách của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho họ trở về đóng góp và gắn bó với quê hương, giữ bản sắc văn hóa, giữ tiếng Việt.

Ông Phạm Nam Kim, Việt kiều ở Thụy Sĩ, cũng bộc bạch, NVNƠNN chỉ cần một môi trường thuận lợi để phát huy tối đa những hiểu biết của mình cho đất nước. Bản thân ông đã "ôm ấp một ý tưởng từ mấy năm nay", đó là thành lập "Trung tâm huy động chất xám" để làm cầu nối giữa trí thức kiều bào với trong nước. Trung tâm này cũng có thể là nơi đặt hàng các chương trình nghiên cứu khoa học, tư vấn trên lĩnh vực điều hành quản lý kinh doanh… Thay vì phải thuê tư vấn nước ngoài với giá rất cao thì các tổ chức, cơ quan hay doanh nghiệp có thể đến trung tâm để tìm những đối tác là Việt kiều không những có cái tầm, mà còn có cả cái tâm cho đất nước. Như vậy, việc đóng góp của kiều bào cũng không cần phải hồi hương mà vẫn có thể đóng góp rất hiệu quả cho quê hương ngay tại nơi họ đang sinh sống.

TS Nguyễn Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án "Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ đến năm 2020" là thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo tại Việt Nam. Trong thời gian tới, đề án này tạo những cơ hội thuận lợi hơn cho các trí thức NVNƠNN tham gia vào hoạt động CNH-HĐH đất nước.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) đã thông báo với hội nghị chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tuấn nói: Trên Biển Đông chúng ta khẳng định nhất quán trước sau như một quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước thế giới, chúng ta khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay trong đoạn đầu của Luật Biển, chúng ta cũng đã khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Sự quan tâm của bà con đối với chủ quyền biển đảo là thể hiện lòng yêu nước, yêu Tổ quốc Việt Nam. Đề nghị bà con tin tưởng Đảng, Nhà nước sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút tiềm năng trí thức kiều bào: Khơi nguồn lực quý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.