Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố môi trường hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực

Đình Hiệp| 08/04/2015 06:27

(HNM) - Ngày 18-1-1950, CHND Trung Hoa là nhà nước đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.



Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông là hai bậc tiền bối đã đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước đến nay. Trong chặng đường lịch sử 65 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc, tuy có lúc thăng trầm nhưng hợp tác và hữu nghị vẫn là dòng chảy chính trong quan hệ hai nước.

Trên tinh thần đó, làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong giai đoạn mới là nội dung quan trọng trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 7 đến 10-4. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 65 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc với nhiều đổi thay trong chính sách ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, nhằm khẳng định vị thế mới của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Kể từ thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991, đến nay quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhìn về tổng thể đã phát triển nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực. Những năm gần đây, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam không ngừng được củng cố và phát triển theo phương châm 16 chữ "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần 4 tốt "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Trong đó phải kể đến các cuộc giao lưu, tiếp xúc cấp cao diễn ra thường xuyên giữa hai bên nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, góp phần định hướng cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Qua đó tạo điều kiện để hai bên từng bước giải quyết ổn thỏa những bất đồng; đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Điểm sáng nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là hợp tác kinh tế - thương mại. 10 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là bạn hàng thương mại lớn của Việt Nam, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Việt Nam là một trong các đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong 10 nước ASEAN. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi Cộng đồng ASEAN được hình thành vào cuối năm nay. Trong năm 2014 vừa qua, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN (chỉ sau Malaysia), với kim ngạch thương mại song phương đạt 58,87 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất 14,91 tỷ USD, nhập 43,87 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục tăng; song, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo, nông, lâm, thủy sản, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu hàng nguyên, nhiên liệu và khoáng sản.

Đến hết tháng 12-2014, Trung Quốc có 1.082 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 7,94 tỷ USD, đứng thứ 9/101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Hai bên đã ký Quy hoạch phát triển 5 năm hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung giai đoạn 2012-2016 nhân dịp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc tháng 10-2011. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2013, hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại nhằm hoàn thành trước thời hạn mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 60 tỷ USD năm 2015 và đặt mục tiêu 100 tỷ USD năm 2017.

Ngay sau khi bình thường hóa quan hệ, năm 1993 Việt Nam và Trung Quốc đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ. Hai bên đã tiến hành đàm phán về ba vấn đề gồm: Biên giới trên đất liền; phân định vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên Biển Đông. Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần trao đổi về vấn đề Biển Đông. Năm 2011, hai bên đã ký kết Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, góp phần định hướng cho việc giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đó, hai bên nhất trí cần kiên trì giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Là hai quốc gia láng giềng với nhiều điểm tương đồng về văn hóa lịch sử cũng như lợi ích chung về kinh tế, việc thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định hoàn toàn phù hợp với mong muốn cũng như lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước. Với những thỏa thuận đạt được, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang diễn ra sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để hai bên tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại; đồng thời tạo động lực mới cho quan hệ hai nước và góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố môi trường hòa bình, hợp tác phát triển trong khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.