Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung sức giảm tải bệnh viện

Vân Vũ| 15/12/2011 06:36

(HNM) - Ngày 14-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo và đại diện các ban, ngành của thành phố đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu.


Bên cạnh việc đánh giá những kết quả mà y tế Thủ đô đã làm được trong năm vừa qua, nội dung chính hai bên cùng quan tâm là phối hợp khai thác thế mạnh của hệ thống y tế đã và sẽ được thành phố đầu tư, trình độ và trang thiết bị của tuyến y tế trung ương cũng như triển khai quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế để giải quyết tình trạng quá tải ở một số bệnh viện (BV), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc tốt hơn sức khỏe của nhân dân.

Sẽ có nhiều trung tâm y tế được xây dựng để giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm


Quan tâm đầu tư

Mở đầu buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định, đây là dịp để thành phố lắng nghe những ý kiến của lãnh đạo ngành đánh giá về công tác y tế của Thủ đô trong thời gian qua để khắc phục những vấn đề tồn tại nhằm tiếp tục phát triển sự nghiệp y tế đáp ứng với yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Xuyến, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội rất quan tâm tới công tác y tế, đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết và chính sách, đặc biệt UBND TP đã thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chuẩn bị trình HĐND thành phố vào quý I-2012, tạo điều kiện để sự nghiệp y tế phát triển. Báo cáo của ngành y tế Thủ đô đã khẳng định đánh giá này: tỷ lệ đầu tư hằng năm tăng từ 150% đến 180%, cụ thể năm 2008, thành phố đầu tư 176 tỷ đồng, năm 2009 là 236,6 tỷ đồng, năm 2010 là 476,2 tỷ đồng, năm 2011 là 780,6 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu dùng để xây dựng, nâng cấp và mở rộng các cơ sở y tế như BV Ung Bướu, Đa khoa Sơn Tây, Đa khoa Đan Phượng, Trung tâm Y tế dự phòng... Đề án hiện đại hóa trang thiết bị y tế cho BV công lập giai đoạn 2007-2010 có tổng kinh phí 1.033 tỷ đồng cơ bản đã hoàn thành, góp phần phát triển các kỹ thuật trình độ cao, chất lượng cao tại các cơ sở y tế. Nhờ đó, các BV của Hà Nội đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong KCB như BV Tim đã phẫu thuật tim hở 6.000 ca, BV Phụ sản thụ tinh trong ống nghiệm 150 ca, BV Ung Bướu ứng dụng xạ trị gia tốc trong điều trị ung thư... Cùng với nâng cao chất lượng KCB ở các BV tuyến trên, Hà Nội đặc biệt quan tâm tới phát triển hệ thống y tế cơ sở bằng việc đầu tư 70 tỷ đồng năm 2010, 190 tỷ đồng năm 2011 cho các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, phần nào giảm tải cho các BV tuyến trên và làm tốt công tác y tế dự phòng. Hiện nay, Hà Nội đã có 97,4% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia và 95% trạm y tế cơ sở có bác sĩ công tác.

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng, Hà Nội có nhiều cách làm hay trong khống chế dịch. Nhờ đó, trong năm qua, Hà Nội đã sớm phát hiện, khoanh vùng và dập tắt các dịch bệnh, không để lây lan, không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể. Các đại biểu của Bộ Y tế cũng đánh giá cao mô hình tổ chức trung tâm y tế quận, huyện của Hà Nội và hiện nay mô hình này đang được nhiều địa phương học tập.

Các đại biểu cũng nêu một số vấn đề Thủ đô cần quan tâm trong vấn đề chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng chia tải

Quá tải BV, đặc biệt là BV tuyến trung ương, BV tuyến thành phố, BV chuyên khoa cũng là đề tài các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, tìm giải pháp để cùng tháo gỡ. Sáng 14-12, Đoàn công tác của Bộ Y tế đã khảo sát thực tế tại Trạm Y tế thị trấn Cầu Diễn, Trung tâm Y tế huyện Từ Liêm và BV Đa khoa Xanh Pôn. Qua đó, các đại biểu thấy rằng, tại một số BV của thành phố, tình trạng quá tải cũng diễn ra, tuy không căng thẳng bằng BV tuyến trung ương và các BV tại TP Hồ Chí Minh. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội mới đạt bình quân 14 giường bệnh/vạn dân, trong khi cả nước đã đạt 21,1 giường/vạn dân, nhưng do trên địa bàn còn có 16 BV đa khoa, chuyên khoa Bộ Y tế quản lý với 6.680 giường bệnh, 9 BV và trung tâm KCB thuộc các bộ, ngành khác với 1.250 giường bệnh nên đã chia tải cho các BV của thành phố. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu KCB của nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận, giảm tải cho các BV tuyến trên, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trước mắt là tăng cường bổ sung giường bệnh cho các BV tuyến thành phố; rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh, giảm hợp lý thời gian điều trị; tăng cường điều trị ngoại trú; tăng nguồn xã hội hóa để đầu tư xây mới cho các BV; đẩy mạnh công tác truyền thông để nhân dân biết về sự đầu tư của thành phố cho cơ sở y tế tuyến dưới và khả năng KCB của các đơn vị này, giúp người bệnh lựa chọn nơi KCB phù hợp... Thành phố cũng khuyến khích các BV tư nhân phát triển, hiện đã có 28 BV đang hoạt động nhưng quy mô còn nhỏ, sắp tới sẽ có thêm 4 BV tư đi vào hoạt động. Hà Nội cũng sẽ triển khai thực hiện bảo hiểm y tế về xã, khuyến khích phát triển mô hình BV ban ngày, bác sĩ gia đình, chăm sóc tại nhà, BV vệ tinh, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, luân phiên cử cán bộ từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Đồng thời, thành phố vẫn tiếp tục chăm lo cho tuyến y tế cơ sở để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, giảm bệnh tật và giảm tải cho BV tuyến trên. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cũng cho biết, trong năm 2012, 34 dự án đầu tư xây dựng cơ bản với số vốn được bố trí trong kế hoạch năm là 605 tỷ đồng sẽ được triển khai đúng tiến độ. Một số BV đa khoa tuyến huyện như Sóc Sơn, Đông Anh, Đức Giang, Sơn Tây, Hà Đông, Ba Vì... tiếp tục được đầu tư nâng cấp. BV đa khoa 1.000 giường Mê Linh, BV Mắt Hà Nội, Nhi Hà Nội, Xanh Pôn cơ sở 2, BV Đa khoa 1.000 giường phía tây sẽ được xây mới…

Nhiều giải pháp để giảm tải các BV tuyến trung ương và thành phố đã được bàn tới tại cuộc làm việc. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị Hà Nội sẽ xây dựng những cơ sở y tế có điều kiện về cơ sở hạ tầng thành BV vệ tinh của các BV tuyến trên; các BV tuyến trên và Trường ĐH Y phối hợp với Thủ đô để chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ y tế cho tuyến dưới, đặc biệt là tuyến cơ sở... Đại diện một số BV trung ương đóng trên địa bàn như Bạch Mai, Nhi, K... cũng đề nghị thành phố tạo điều kiện để triển khai nhanh việc xây dựng cơ sở mới cho các đơn vị phải di dời ra khỏi nội thành hoặc cơ sở 2 cho các đơn vị quá tải.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, mặc dù công tác y tế trên địa bàn Thủ đô đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là y tế dự phòng và nâng cao chất lượng KCB, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì thế, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo toàn diện để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, quan tâm tuyến y tế cơ sở, nhất là trung tâm y tế quận, huyện. Khắc phục tình trạng quá tải tại các BV, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khẳng định cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ, cả trước mắt lẫn lâu dài; có lộ trình, kế hoạch cụ thể và cơ chế tài chính để triển khai quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống y tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Chủ tịch nêu rõ quan điểm của thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các BV trung ương đóng trên địa bàn triển khai việc di dời, xây mới theo quy hoạch đã đề ra để giải quyết tình trạng quá tải hiện nay và đề nghị các BV không xây mới, nhất là xây khu KCB cao tầng trong khuôn viên đang sử dụng để tránh tình trạng giảm tải về KCB cho cơ sở y tế lại tăng tải cho hạ tầng của thành phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung sức giảm tải bệnh viện

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.