Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thời của thực phẩm nhuộm màu độc

Theo VEF| 15/12/2011 09:57

Gần tết, hàng nghìn mặt hàng được tung ra thị trường hết sức bắt mắt, câu khách.Tuy nhiên, với đủ thứ màu xanh, đỏ... trong đó có nhiều loại phẩm màu nguy hiểm bị cấm vẫn được sử dụng tràn lan.

Tuy nhiên, với đủ thứ màu xanh, đỏ... trong đó có nhiều loại phẩm màu nguy hiểm bị cấm vẫn được sử dụng tràn lan.

Không màu vẫn nhiễm độc

Buổi chiều, con đường vào chợ Hôm phía đường Trần Xuân Soạn (Hà Nội) tấp nập người qua lại mua đồ. Những dãy bàn bày xôi đầy ăm ắp đủ loại từ 1 tầng đến 3 tầng với đủ các loại màu trắng, vàng đỏ sặc sỡ. Nhanh tay bọc gói xôi gấc 3 tầng đỏ au cho khách hàng, chủ một ki-ốt tranh thủ tiếp thị: "Ngày rằm và mùng 1 nào bọn chị cũng có đủ mặt hàng như bánh dày giò, bánh dày đỗ, xôi trắng, xôi gấc và các loại giò chả. Hàng đẹp, màu tươi thế này ai cũng thích".

Không chỉ có những mặt hàng truyền thống như heo quay, gà luộc vàng nghệ... nhiều một hộp mứt có tới 7, 8 màu cũng đang chuẩn bị được tung ra thị trường trong thời gian tới. Những miếng mứt bí, mứt dừa trắng tinh, mứt cà rốt đỏ cam... Một người bán hàng trên phố Hàng Trống cho biết: "Yêu cầu cốm thì phải xanh ngắt, gà thì phải vàng như nghệ hay xôi gấc thì đỏ au... tất cả đều là ý muốn và lựa chọn hàng đầu của khách hàng. Nếu chúng tôi không đáp ứng được điều đó thì họ không mua".


Chuyên gia từ Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, nhìn đẹp thế nhưng người dân phải hết sức thận trọng.

"Vấn đề chúng tôi lo nhất trong dịp cuối năm và tết chính là chính là trào lưu sử dụng phẩm màu độc hại trong thực phẩm. Các loại thức ăn như: xôi, bánh kẹo, chè, kem... cho đến các loại nước giải khát như sirô dâu, cam, chanh... đều được sử dụng phẩm màu", ông này nói.

Từ lâu các loại mứt, gỏi, phở, bún, bánh canh... được xếp vào danh mục những món ăn có sử dụng nhiều chất tẩy trắng nhất. Tuy nhiên, người mua hàng vẫn bị thu hút bởi những món ăn có độ trắng đạt đến mức khó tin này. Không phải cứ xanh, đỏ mới có nguy cơ, màu trắng cũng chưa chắc đã sạch, thậm chí là nguy hiểm.

Càng độc càng hấp dẫn

Vào chợ Đồng Xuân (Hà Nội), tới khu bán phụ gia thực phẩm, người bán hàng "tư vấn" bằng cách trao ngay từ 3, 4 gói bột mịn màu khác nhau: đỏ tươi là bột hạt điều, đỏ đậm là hương thơm, màu xanh đậm là bột tarol và màu vàng là bột nghệ... chứa trong bao nylon nhỏ, kèm theo hướng dẫn nhưng không hề có tiêu chuẩn, thành phần và các quy định an toàn...

Theo các chuyên gia, trong thực phẩm, có hai loại màu: màu tổng hợp và màu thiên nhiên. Màu thiên nhiên được trích từ các mô của cây cỏ. Loại màu này không bền và có thể làm biến dạng phẩm chất của thực phẩm được nhuộm màu. Còn màu tổng hợp thường tan trong nước và ổn định hơn. Trên thị trường, màu tổng hợp có dưới dạng hạt, bột, dung dịch, hay dạng dẻo. Màu tổng hợp tác dụng với hydroxid nhôm Al(OH)­3 để cho ra một dung dịch gọi là hồ (lakes) sẵn sàng để nhuộm màu trong thực phẩm.

Chuyên gia từ Viện Vệ sinh y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù không độc hại nhưng phẩm màu tự nhiên không được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm bởi khó hòa tan trong nước, dễ phai màu. Phẩm màu tổng hợp là các hợp chất được tạo thành thông qua phản ứng hóa học. Do màu sắc đẹp, bền, dễ hòa tan trong nước, giá lại rẻ nên dù độc hại nó vẫ được sử dụng rất nhiều trong ngành thực phẩm.

Điều đáng ngại là, rất khó phân biệt màu trong thực phẩm thuộc loại tự nhiên hay tổng hợp nếu không có thiết bị phân tích. Nhiều loại thức ăn như heo quay, vịt quay, các loại bánh truyền thống đều có sử dụng, nhưng chẳng thấy nhà sản xuất nào thông báo đó là loại phẩm màu gì.

Theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, trong danh mục tiêu chuẩn đối với lương thực, thực phẩm thì chỉ cho phép sử dụng 21 loại phẩm màu (11 loại tự nhiên và 10 loại tổng hợp), nhưng phải sử dụng với giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, thực tế với giá thành rẻ hơn một nửa, nên một số cơ sở sản xuất đã sử dụng phẩm màu vượt giới hạn, đặc biệt là màu tổng hợp. Hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm là do hóa chất, các loại phụ gia thực phẩm gây ra. Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng, tỉ lệ sử dụng hàn the dẫu chỉ còn 19%, nhưng việc dùng phẩm màu trôi nổi trong chế biến thực phẩm đã lên tới 32%, đường hóa học 7%, thuốc chống mốc 40%.

Hiện nay, Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành nhưng thiếu hướng dẫn; cơ chế quản lý và xử phạt vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có vi phạm về dùng phẩm màu còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Trước tình trạng trên, người tiêu dùng nên hạn chế mua thực phẩm chế biến sẵn, hãy tự tay nấu nướng để đảm bảo an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thời của thực phẩm nhuộm màu độc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.