Theo dõi Báo Hànộimới trên

Oan gia vì chất tạo nạc

Quỳnh Dung| 14/04/2012 03:56

(HNM) - Để đánh giá một cách khoa học và cung cấp thông tin đầy đủ, nhiều chiều về vấn đề "thịt lợn siêu nạc" nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng (NTD) và bảo vệ người chăn nuôi, ngày 13-4, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo về sử dụng chất tạo nạc và an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam cho biết, năm 2011 Trung tâm nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (CESCON) đã tiến hành khảo sát đối với thức ăn chăn nuôi cho lợn trên thị trường ở khu vực phía Nam. Kết quả cho thấy, sau 2 đợt lấy 30 mẫu và phân tích thử nghiệm, phát hiện có 10 mẫu tồn dư chất cấm nhóm Beta-agonist, chiếm 33%. Số lượng mẫu phát hiện có tồn dư Beta-agonist tại các chợ và cửa hàng trung tâm TP Hồ Chí Minh trong 2 đợt là 9/10 mẫu. Trong khi đó số mẫu tại chợ ngoại ô TP Hồ Chí Minh chỉ phát hiện có 1/10 mẫu, chiếm 10%. Ông Hùng cho rằng, mặc dù quy mô cuộc khảo sát rất nhỏ nhưng kết quả cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã đến mức báo động (!).

Thông tin về chất tạo nạc khiến người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn. Ảnh: Đàm Duy

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Ủy viên Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cho biết, vừa qua các lực lượng chức năng đã kiểm tra mức độ nhiễm Salbutamol một loại chất cấm trong chăn nuôi kết quả cho thấy tại vùng phụ cận TP Hồ Chí Minh, kiểm tra 37 mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) không phát hiện chất cấm; 3/50 mẫu nước tiểu lợn phát hiện dương tính chiếm 6%. Các tỉnh phía Bắc có 3/161 mẫu nhiễm chất cấm (2 mẫu thức ăn chăn nuôi và 1 mẫu trong thịt và nội tạng lợn). Tại các vùng có nguy cơ cao như Đồng Nai, Bình Dương… đã phát hiện 13/168 mẫu TĂCN nhiễm chất cấm, chiếm 4,8%; trong thịt và nội tạng lợn bị nhiễm 8/179 mẫu, chiếm 4,4%. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi của một số cá nhân trong thời gian vừa qua đã gây thiệt hại lớn tới ngành chăn nuôi, trung bình mỗi tháng cả nước tiêu thụ 250 nghìn tấn thịt hơi, nhưng hiện nay mức tiêu thụ giảm gần 50%, giá giảm 20%, làm thiệt hại 2.000 tỷ đồng/tháng. Do giá thấp, nông dân bị lỗ nên hầu hết các hộ đều giảm quy mô chăn nuôi. Nếu như các ngành chức năng không có biện pháp ngăn chặn việc này, không những gây thiệt hại cho chăn nuôi mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe NTD và có thể 6 tháng sau thịt lợn sẽ đắt do cung không đủ cầu - Ông Vang nhận định.

Các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, các ngành chức năng cần phải truy nguyên nguồn gốc thịt lợn có tồn dư Beta-agonist từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến khâu lưu thông để xử lý triệt để, tận gốc. Cần thường xuyên kiểm tra, nếu không sẽ xảy ra tình trạng khi các ngành chức năng ráo riết thì sự việc lắng xuống rồi một thời gian không kiểm tra lại bùng lên. Thực hiện việc xử phạt nghiêm, thậm chí có thể truy tố hình sự, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm trên phương tiện thông tin đại chúng. Cần tuyên truyền để NTD nhận biết, phân biệt được sản phẩm thịt lợn thuộc giống siêu nạc và lợn siêu nạc do ăn chất cấm là khác nhau, để tránh tình trạng NTD quay lưng hoàn toàn với thịt lợn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi cả nước.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, tình hình sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi hiện đã tạm thời được kiểm soát, nhưng vẫn còn nhiều phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là trong mấy ngày vừa qua các ngành chức năng đã bắt được 1,4 tấn Gold Protein Peptide (SSI) có chứa chất tạo nạc bị cấm của Công ty TNHH Hồng Triển ở TP Hồ Chí Minh và 7,5 tấn chất tạo nạc tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên có nghi nhiễm chất cấm. Để tránh gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, chủ trương của Bộ NN&PTNT là sẽ công khai các trang trại chăn nuôi hay doanh nghiệp kinh doanh TĂCN sử dụng chất cấm. Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Bộ Y tế, Công thương và Công an tiếp tục cùng các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới cho đến các cơ sở kinh doanh TĂCN, cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán, chế biến thực phẩm để truy xuất nguồn gốc đến cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Oan gia vì chất tạo nạc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.