Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề Ngự Câu hối hả vào vụ Tết

Bài, ảnh: Nguyễn Mai| 30/12/2012 06:50

(HNM) - Thôn Ngự Câu, xã An Thượng (Hoài Đức) có nghề làm bánh đa nem truyền thống. Nhờ nghề này, nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Những ngày cuối năm, làng nghề bận rộn hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Viết Cảnh, xóm Thượng, thôn Ngự Câu đang tất bật với công việc. 

Nghề tráng bánh đa nem ở Ngự Câu ra đời cách đây khoảng 50 năm. Trước kia, có tới 90% số hộ trong làng làm nghề theo lối sản xuất thủ công. Ngày nay, làng chỉ còn 40 hộ giữ nghề truyền thống. Tuy số hộ giảm, song năng suất bánh tăng lên nhiều lần so với trước, bởi sự trợ giúp của các loại máy móc. Theo chân trưởng thôn Ngự Câu Đào Văn Khánh, chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Quang Hoa, ở xóm Thượng. Ông Hoa cho biết, đã có 25 năm gắn bó với nghề tráng bánh đa nem. Trước đây, gia đình làm bánh bằng tay, đun bếp than nên có nhanh đến mấy, một ngày cũng chỉ làm được vài cân gạo. Từ năm 2002, khi chiếc máy tráng bánh đầu tiên được người dân mua về ứng dụng và cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, gia đình đã gom góp, vay mượn thêm để có 100 triệu đồng mua máy. Cũng từ đó, công suất làm bánh tăng gấp hàng chục lần. Hiện mỗi ngày, gia đình ông Hoa làm 80kg gạo, cho ra lò 16.000 bánh...

Ngay cạnh nhà ông Hoa, hộ ông Nguyễn Viết Cảnh cũng đang tất bật bên lò than hồng rực, nước nồi tráng bánh sôi bốc hơi nghi ngút, người thì ra bột, người khác kéo bánh, rồi chuyển ngay ra phên phơi… Ông Cảnh cho biết, hiện tại mỗi ngày gia đình làm 1 tạ gạo, cho ra lò khoảng 2 vạn bánh, vậy mà vẫn không đủ hàng để bán cho khách đặt. Sở dĩ hàng chạy như vậy là do bánh đa Ngự Câu đã có uy tín trên thị trường. Ông Cảnh cho biết thêm, để có bánh đa nem ngon, vừa dẻo, vừa dai, người thợ phải có kinh nghiệm từ chọn gạo, pha bột đến nêm muối, phơi bánh. Đơn cử như phơi nắng, nếu khô quá bánh cũng sẽ bị nổ, kém ngon. Bánh đa Ngự Câu chỉ dùng duy nhất nguyên liệu gạo và muối, không cần đến bất cứ phụ gia nào khác. Gạo để làm bánh phải là gạo Q5 mới ngon, còn muối để giúp bánh luôn dẻo. Tùy theo thời tiết hanh hay ẩm, người làm gia giảm lượng muối cho phù hợp.

Trưởng thôn Ngự Câu, xã An Thượng Đào Văn Khánh cho biết: Cả thôn có 700 hộ dân, thì có 40 hộ chuyên nghề tráng bánh đa nem và hàng chục hộ chuyên thu gom bánh mang bán khắp trong Nam, ngoài Bắc. "Không có nghề này thì gay lắm, bởi có tới 50% diện tích đất nông nghiệp của thôn bị thu hồi phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nghề tráng bánh đã tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động trong thôn" - ông Khánh nhấn mạnh.

Mùa sản xuất bánh tết đang về, đa số các lò tráng bánh ở Ngự Câu đều đẩy công suất tăng thêm 10-20% so với thường ngày. Trung bình mỗi hộ làm khoảng 90-100kg gạo mỗi ngày. Dù tăng công suất, nhưng làng nghề vẫn không đủ số lượng bánh để cung cấp cho thương lái. "Thời điểm này, chúng tôi sợ nhất là những ngày mưa. Sản phẩm bánh đa cần phải được phơi nắng. Chẳng thế mà cứ mưa phùn là người làm nghề lại như "ngồi trên đống lửa". Nghỉ một ngày là mất cả triệu đồng tiền công" - ông Cảnh nói. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề Ngự Câu hối hả vào vụ Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.