Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặn cúm A/H7N9: Cuộc chiến nhiều thách thức

Đình Hiệp| 26/04/2013 07:21

(HNM) - Cuộc chiến chống virus cúm A/H7N9 tiếp tục đặt ra cho giới chức y tế Trung Quốc cũng như các quốc gia trong khu vực những thách thức mới khi nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, đây là một trong những virus cúm dễ gây chết người nhất từng được biết đến.


Tuy chưa xác định được liệu loại virus khủng khiếp này có thể lây từ người sang người hay không nhưng cảnh báo vừa được WHO đưa ra đã mang đến "cơn ác mộng" mới đối với nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại khu vực. Theo các chuyên gia, virus H7N9 còn dễ lây truyền hơn cả virus H5N1 đang tái bùng phát tại nhiều nước và nguồn gốc lây nhiễm nhiều khả năng do gia cầm.

Cuộc chiến chống virus cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn ra hết sức phức tạp.


Kể từ khi phát hiện hai trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus cúm A/H7N9 tại thành phố Thượng Hải cách đây gần hai tháng, loại virus gây ra các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp này vẫn tỏ ra "đầy sức mạnh". Hầu như không có ngày nào giới chức y tế Trung Quốc không đưa ra cảnh báo về sự bùng phát có nguy cơ khó kiểm soát của dịch bệnh. Theo số liệu thống kê đến ngày 24-4, Trung Quốc đã phát hiện 108 ca nhiễm chủng virus gây chết người, trong đó 22 người đã tử vong. Bất chấp các nỗ lực phòng ngừa, H7N9 đã "vượt biển" sang Đài Loan với thông báo trường hợp nhiễm đầu tiên là một người đàn ông 53 tuổi vừa trở về từ thành phố Tô Châu, có đi qua Thượng Hải.

Xuất hiện từ cuối tháng 2, nhưng đến nay bệnh dịch cúm do H7N9 gây ra vẫn còn là một bí ẩn với các chuyên gia y tế khi chưa thể xác định được cách thức loại virus này lây nhiễm cho con người. 15 chuyên gia y tế hàng đầu của WHO được cử tới Trung Quốc để điều tra dịch tễ các khu vực ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 tại Thượng Hải và Bắc Kinh nhưng đến nay vẫn chưa lý giải được vì sao con người có thể bị nhiễm H7N9. Tuy nhiên, các kết quả phân tích gene cho thấy, loại virus mới mẻ này có những biến đổi để có thể phát triển trên các loài động vật có vú, bao gồm cả con người. Cụ thể, virus H7N9 có khả năng bám dính vào các tế bào và phát triển được trong môi trường nhiệt độ cơ thể bình thường của động vật, vốn thấp hơn so với các loài gia cầm. Cho đến nay, các chuyên gia WHO đang chạy đua với thời gian để nghiên cứu cơ chế lây truyền từ gia cầm, động vật sang người cũng như từ người sang người của virus H7N9. Thế nhưng, một khi chưa tìm ra được nguyên nhân lây bệnh, việc kiểm soát để virus này không gây nên một đại dịch có quy mô lớn hơn là không hề dễ dàng.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của giới chức y tế Trung Quốc, nhiều quốc gia trong khu vực cũng đã đưa ra hàng loạt biện pháp phòng ngừa cao nhất để góp phần ngăn chặn sự lây lan của cơn dịch. Mặc dù chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 nào nhưng Bộ Y tế Singapore mới đây đã cho dán các tờ quảng cáo, phát tờ rơi khuyến cáo người dân về bệnh cúm gia cầm và viêm đường hô hấp cấp tại các sân bay của đảo quốc Sư tử. Tại các sân bay, hành khách được khuyến cáo phải đến cơ sở y tế gần nhất và sớm nhất nếu xuất hiện triệu chứng của bệnh cúm như sốt và ho. Công dân Singapore trở về từ Trung Quốc, đặc biệt là từ các "điểm nóng" cúm A/H7N9 như ở An Huy, Bắc Kinh, Thượng Hải… bắt buộc phải thông báo với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình.

Ngoài những mất mát đau xót về nhân mạng, dịch cúm gia cầm đã gây nên những tổn thất nghiêm trọng về kinh tế đối với các quốc gia bị bệnh dịch hoành hành. Những thành công trong phòng chống và đẩy lùi đại dịch SARS cách đây 10 năm tiếp tục trở thành bài học thời sự cho mỗi quốc gia. Theo đó, bất kỳ sự chủ quan nào cũng sẽ để lại hậu họa khó lường. Trong khi H7N9 vẫn đang thách thức con người thì sự đề phòng, tự bảo vệ của mỗi người dân bằng cách thực hiện tốt các khuyến cáo của chuyên gia y tế sẽ là biện pháp cần thiết giúp đẩy lùi một đại dịch có nguy cơ đến gần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chặn cúm A/H7N9: Cuộc chiến nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.