Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện riêng của mỗi nhà - vấn đề của cộng đồng

Lâm Vũ| 06/07/2013 07:48

(HNM) - Dù Luật Phòng, chống bạo hành gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2008 nhưng sau 5 năm, nạn bạo hành gia đình vẫn chưa giảm.

Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đã tiến hành một nghiên cứu đối với phụ nữ đang sinh sống ở Hà Nội, Lạng Sơn, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Bình Định, TP Hồ Chí Minh và Bến Tre về tình trạng bạo lực gia đình. Kết quả rất đáng lo ngại: Có khoảng 48% phụ nữ ở nông thôn và 38% ở thành thị cho biết đã từng trải qua bạo lực thể chất. Người "đầu gối tay ấp" sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" vì những lý do rất "trời ơi". Câu chuyện của một phụ nữ được các nhà điều tra xã hội học ghi lại là một ví dụ. Chị kể: "Thường bị chồng đánh nhưng lần khiến tôi đau đớn nhất là khi tôi sinh con gái thứ hai. Chồng tôi nói rằng tôi chỉ biết đẻ "vịt giời" nên thường xuyên kiếm cớ đánh đập. Một hôm, khi tôi vừa đi làm đồng về, anh ta đòi đưa tiền để đi uống rượu. Tôi nói là không có, anh ta bèn túm tóc và dùng búa đánh tôi vào xương sống khiến tôi không thể chạy trốn được. Anh ta tiếp tục dùng gậy đánh và ném gạch vào tôi. Tôi bị chảy máu đầu và ngất đi. Đến bệnh viện khám, tôi được bác sĩ cho biết, xương sống bị rạn vì cú đánh bằng búa của chồng".

Gia đình hạnh phúc là nền tảng cho sự phát triển của xã hội.



Tỷ lệ bạo hành tình dục cũng cao tương đương với hơn 1/4 phụ nữ phải chịu đựng hình thức bạo hành này trong đời. Tỷ lệ phụ nữ cho biết chịu kiểu bạo hành này trong 12 tháng trở lại đây tuy thấp hơn tỷ lệ bạo hành thể chất nhưng vẫn xấp xỉ 1/5 tổng số người được hỏi. Bạo hành tâm lý thường khiến phụ nữ cảm thấy mệt mỏi nhất cũng là loại bạo lực xảy ra phổ biến nhất. Gần 60% phụ nữ nông thôn và 48% phụ nữ đô thị cho biết đã phải trải qua ít nhất một hành vi bạo hành tâm lý. Xúc phạm và dọa nạt là cách mà các đấng mày râu hay sử dụng nhất. Một điểm đáng lo ngại là các hành vi bạo hành nghiêm trọng lại cũng chính là những hành vi được nhiều người cho biết đã xảy ra nhiều lần nhất.

Thiệt đơn, thiệt kép

Nghiên cứu trên khẳng định, mức thiệt hại do bạo lực gia đình gây ra đối với phụ nữ ở Việt Nam là rất lớn, bao gồm cả những chi phí họ phải trả trực tiếp và những khoản thu bị mất do gián đoạn công việc. Chỉ riêng số tiền trung bình mỗi lần bị đánh phải tiếp cận dịch vụ y tế, khám, thuốc men… của một phụ nữ đã lên đến 804.000 đồng, tương đương 28% thu nhập trung bình hằng tháng của đối tượng này. Các chi phí khác tính toán được như tiền mua đồ đạc và tài sản bị hư hại, chi phí nhờ sự giúp đỡ của cảnh sát, tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác vào khoảng 600.000 đồng một vụ, tương đương 21% thu nhập trung bình của họ.

Người bị đánh mất tiền và người bạo hành cũng mất tiền khi người chồng bị bắt vì hành vi bạo lực. Chị P.T.H, ở Lạng Sơn, đã kể một câu chuyện khá hài hước: Khi bị chồng bạo hành, chị báo với công an và được trả lời, cơ quan công an không có quyền cho chồng chị vào tù mà chỉ có thể phạt tiền. Chồng chị không có tiền và người phải nộp 500.000 đồng tiền phạt là chị. Câu chuyện đã xảy ra trên thực tế này cho thấy, biện pháp can thiệp đối với các hành vi bạo lực gia đình bằng cách phạt tiền không những không giúp ích gì cho người phụ nữ mà còn làm gia tăng sự bất an và gánh nặng tài chính lên vai họ.

Thiệt hại không kém phần nghiêm trọng mà bạo hành gia đình gây nên là thu nhập bị mất do người bị bạo hành phải nghỉ việc. Mức giảm sút thu nhập trung bình tương ứng với mỗi vụ bạo lực gia đình là 382.234 đồng. Sau mỗi lần chịu đòn roi của chồng, chị em thường phải mất 33 giờ làm việc nhà, với giá trị kinh tế là 502.525 đồng, tương đương 17,8% thu nhập hằng tháng của họ. Đối với toàn bộ nền kinh tế, ước tính chi phí trực tiếp lẫn thiệt hại về thu nhập và giá trị kinh tế của các công việc gia đình bị mất tương đương 1,41% GDP.

Cho đến nay, bạo lực gia đình vẫn được coi là vấn đề riêng tư cá nhân. Nó chỉ biến thành vấn đề của cộng đồng khi có những trường hợp bạo hành thể chất cực kỳ nghiêm trọng. Đứng trước bạo lực, cơ quan liên quan thường không có phản ứng gì hoặc nhiều nhất cũng chỉ là khuyên giải phụ nữ nên tiếp tục chịu đựng hay ly thân. Các cấp chính quyền thường dựa vào việc hòa giải và coi đó là biện pháp ứng phó chính. Những điều này lý giải vì sao bạo hành gia đình (mà đối tượng chịu "thiệt đơn, thiệt kép" là phụ nữ) vẫn có lý do để tồn tại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyện riêng của mỗi nhà - vấn đề của cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.