Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trừ ruồi đục quả bằng bẫy bả protein

Sơn Tùng| 18/06/2014 06:27

(HNM) - Hiện các nhà khoa học đã xác định được 7 loài ruồi đục quả gây hại chính trên hầu hết các loại cây trồng. Loại quả bị phá hoại với tỷ lệ cao nhất là đào, mận với 100% quả bị ruồi phá hoại, tiếp theo là roi (80%), cherri (60%), táo ta (35%), thanh long (20%), vải, nhãn (10%), mướp đắng, bầu, bí (10%)...

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, ruồi đục quả là loại côn trùng có phổ ký chủ gây hại rất rộng, có những loài gây hại tới hơn 1.000 loại quả khác nhau, khi xuất hiện chúng có thể xâm nhập rất nhanh vào quả. Nếu bị ruồi xâm nhập, quả sẽ rụng, những quả không rụng sau thu hoạch rất khó bảo quản, thối dần và hỏng.

Hầu hết nông dân chưa có ý thức phòng trừ loài côn trùng nguy hiểm này, thậm chí nhiều người không biết ruồi đục quả là gì. Ở những nơi đã phát hiện được loài côn trùng này lại thường sử dụng thuốc hóa học để tiêu diệt chúng. Tuy nhiên, đây là phương pháp không đem lại hiệu quả, lại rất tốn kém và độc hại tới sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Nếu dùng thuốc hóa học, trung bình mỗi héc ta phải tiêu tốn hết 800 lít nước, thuốc để phun trùm lên toàn bộ cây, nên tốn rất nhiều công sức, đặc biệt nó có thể để lại dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm sau thu hoạch. Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội khuyến cáo nông dân sử dụng dụng cụ diệt trừ ruồi đục quả được sản xuất từ men bia đã qua thủy phân làm chất dẫn dụ. Loại protein này sau khi được làm loãng bằng cách hòa với nước và một lượng thuốc diệt côn trùng nhất định sẽ được sử dụng để tạo điểm thu hút ruồi trên cây.

Lượng nước cần dùng để sử dụng loại bả này cho 1ha chỉ hết 20 lít (bằng 1/40 so với thuốc hóa học), với chi phí từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng/ha. Phương pháp sử dụng bả protein rất đơn giản, bẫy chuyên dùng được thiết kế để cho hiệu quả diệt ruồi cao nhất do có các đặc điểm sau:

+ Bẫy có dạng hình cầu, có tác dụng che mưa, che nắng, giúp cho bẫy có hiệu quả lâu hơn.

+ Bẫy có màu vàng hấp dẫn ruồi bay đến nhiều hơn, tránh tia tử ngoại từ mặt trời nên giúp mồi chậm phân giải.

+ Nắp vặn dưới đáy dễ sử dụng, có lỗ thoát nước giúp cho bông tẩm thuốc không bị ướt.

Cách thức làm bẫy: Dùng bông chấm 1 - 2 ml thuốc Flykil 95 EC, không pha loãng, chiều dài miếng bông cuốn vào que treo trong hộp bẫy là 2cm tính từ đầu que, sau đó đặt vào trong hộp bẫy đã được chuẩn bị.

Thời gian sử dụng bẫy: Khi bắt đầu xuất hiện quả non trên cây, bẫy được chuẩn bị xong đem treo ngoài ruộng, cách mặt đất từ 0,5 - 1m bằng cọc tre (gỗ) hoặc treo trên giàn, nếu cây có cắm giàn sẵn.

Mật độ treo bẫy: 100 bẫy/1,8 ha. Thời gian thay bông mới có tẩm thuốc là 15 ngày/lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trừ ruồi đục quả bằng bẫy bả protein

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.