Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều chỉnh viện phí từ ngày 8-8: Chất lượng khám, chữa bệnh phải được nâng lên

Thu Trang| 01/08/2014 06:45

(HNM) - Sau một năm áp dụng viện phí theo Nghị quyết 13/2013/NQ-HĐND (ngày 1-8-2013), tại kỳ họp đầu tháng 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung giá 1.348 dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) đối với các cơ sở KCB công lập.

Người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn khi viện phí tăng. Ảnh: Phương Thanh


Chuyển biến rõ rệt

Đánh giá sau một năm áp dụng Nghị quyết 13, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lưu Thị Liên cho biết, Nghị quyết 13 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở KCB có điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, bổ sung vật tư, trang thiết bị phục vụ người bệnh. Hiện tại, hầu hết bệnh viện (BV) trên địa bàn đã dành 15% doanh thu để tái đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin trong KCB, cải tiến khoa khám bệnh... Nhờ đó, bộ mặt nhiều BV đã khang trang, sạch sẽ hơn trước. Người bệnh không còn phải chờ đợi lâu, các bác sĩ có nhiều thời gian thăm khám, góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) Nguyễn Thị Thùy đánh giá: Nghị quyết 13 đã nhận được sự ủng hộ không chỉ của người dân mà còn cả các cấp chính quyền, tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Số lượt KCB bằng BHYT cũng tăng từ 4,9 triệu lượt năm 2012 lên 5,1 triệu lượt năm 2013. Sau khi triển khai Nghị quyết 13, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) và Sở Y tế Hà Nội đã đi khảo sát một số BV, kết quả cho thấy các BV không nhận được đơn thư của người bệnh thắc mắc về mức giá và công tác KCB. "Cử tri là đối tượng công tâm nhất khi đánh giá hay nhận xét một vấn đề nào đó. Khi HĐND tiếp xúc với cử tri, nhiều người đã nhận xét, chất lượng KCB trên địa bàn thành phố thời gian qua đã được nâng lên đáng kể". Bà Nguyễn Thị Thùy nói.

Theo kế hoạch điều chỉnh tăng phí dịch vụ KCB tại các cơ sở y tế công lập lần này, BV hạng I sẽ tăng từ mức 80% hiện nay lên 100% mức giá trần; hạng II, từ 75% lên 95% và hạng III - các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, từ 70% lên 90%; tương tự, trạm y tế được tăng từ 65% lên mức 85% giá trần. Bên cạnh đề xuất điều chỉnh giá, 135 dịch vụ kỹ thuật y tế chưa có giá cũng được đề nghị bổ sung. Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số BV, việc tăng giá viện phí lần này sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến người bệnh. Lý do là ngoài một số kỹ thuật có mức tăng giá tuyệt đối cao như kỹ thuật mài răng làm cầu răng tăng từ 640.000 đồng lên 800.000 đồng; chọc sinh thiết u vùng mặt tăng từ 360.000 đồng lên 450.000 đồng; dẫn lưu áp xe thực quản tăng từ 1.350.000 đồng lên 1.800.000 đồng… thì nhiều dịch vụ tuy có mức điều chỉnh chung là tăng 20% song mức tăng giá thực tế chỉ 5.000-10.000 đồng.

Không có chuyện "giá chồng giá"

Với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, bà Lưu Thị Liên khẳng định, chắc chắn không có chuyện "giá chồng giá". Ở lần điều chỉnh giá viện phí vào tháng 8-2013, Hà Nội mới áp dụng tăng 819 dịch vụ. Đợt điều chỉnh lần này không trùng với những dịch vụ đã tăng năm trước. Trước khi điều chỉnh giá viện phí, các ngành y tế, tài chính và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã làm việc nhiều lần và thống nhất mức tăng lần này chỉ nhằm vào 1.348 dịch vụ KCB đang được áp dụng tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH do Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 26-1-2006 hướng dẫn thực hiện việc thu một phần viện phí (Thông tư 03). Đây đều là những kỹ thuật còn lại chưa được điều chỉnh giá trong lần tăng trước, mức tăng chung là 20% đối với tất cả hạng BV.

Bà Lưu Thị Liên cho biết thêm, ngoài 1.348 dịch vụ trên, hiện có 135 dịch vụ kỹ thuật có tên trong Thông tư số 43/2014 của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1-2-2014 đã được các cơ sở KCB của Hà Nội thực hiện nhưng chưa có giá trong Nghị quyết 13 nên BHXH thành phố chưa có cơ sở để thanh quyết toán thì lần này cũng sẽ được bổ sung. Mặt khác, hiện nay nhiều BV trung ương, bộ, ngành trên địa bàn thành phố đã áp dụng mức giá tối đa (100% mức giá trần) theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006 nhưng các BV của Hà Nội chỉ được thu ở mức 65-80%. Như vậy, trên cùng một địa bàn, cùng một kỹ thuật nhưng có 2 mức giá khác nhau. Điều này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của người có thẻ BHYT. Người có thẻ BHYT đã không lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế của Hà Nội do không được BHYT thanh toán như ở các BV trung ương, BV bộ, ngành. Ngoài ra, một số BV hạng II của thành phố có chuyên khoa đầu ngành đã triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao nhưng không được áp dụng mức giá dịch vụ của BV hạng I, trong khi chi phí đầu vào như nhau, dẫn tới thu không đủ bù chi.

Chung quan điểm trên, Giám đốc BV Đa khoa Bắc Thăng Long Đỗ Quang Thuần cũng cho rằng, ngay tại BV Bắc Thăng Long, thời gian gần đây đã triển khai được nhiều kỹ thuật hạng I, thậm chí nhiều dịch vụ kỹ thuật cao mà một số BV trung ương chưa thực hiện được. Thế nhưng, BV lại không được thu theo giá viện phí mới. Lần này, khi viện phí được điều chỉnh, BV sẽ có điều kiện thuận lợi để tiếp tục đầu tư phát triển các kỹ thuật mới như: Máy định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ, xét nghiệm men tim, mổ pha cô, nội soi can thiệp…

Nâng cao chất lượng - Yếu tố sống còn

Theo bà Nguyễn Thị Thùy, việc điều chỉnh giá viện phí tại Nghị quyết 13 và cả với lần tăng giá sắp tới, phần tăng nguồn kinh phí cho BV không nhiều nhưng áp lực nâng cao chất lượng KCB lớn hơn nhiều. Khi giá dịch vụ tiến tới được tính đủ, BV không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí để hoạt động sẽ được BHYT thanh toán đối với người có thẻ BHYT và người bệnh không có thẻ BHYT chi trả. Do đó, BV muốn tồn tại và phát triển, bắt buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, coi đó như vấn đề sống còn. "Tới đây, sau khi áp dụng điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Hà Nội nên công khai những đơn vị y tế có thu nhập khá và những đơn vị có thu nhập thấp để có sự so sánh vì sao cùng một cơ chế, có nơi làm tốt, nơi không, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục những yếu kém, tồn tại tại những BV thực hiện chưa tốt" - Bà Nguyễn Thị Thùy đề xuất.

Ðể chuẩn bị thu theo giá dịch vụ mới, ngành y tế Thủ đô đã chỉ đạo các BV tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị gắn với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngành y tế Hà Nội cam kết tiếp tục tái đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là chú trọng đến thái độ ứng xử với người bệnh, hạn chế tiêu cực của đội ngũ bác sĩ, y tá, nhân viên... Trong tương lai, tất cả BV sẽ có phòng quản lý chất lượng, trọng tâm là xây dựng một quy trình KCB chuẩn, hiệu quả, tiện lợi nhất cho người bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chỉnh viện phí từ ngày 8-8: Chất lượng khám, chữa bệnh phải được nâng lên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.