Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các đơn vị làm sách chân chính trước nạn in lậu: Tự cứu mình đâu dễ

Thi Thi| 14/09/2014 06:14

(HNM) - Hàng loạt ấn phẩm nổi tiếng bị in lậu, trong đó có



Đặc biệt, vụ việc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) thua kiện cơ sở gia công Huy Thi vừa qua đã tiếp tục đẩy nỗi bức xúc về tình trạng in lậu và tiếp tay cho sách lậu lên mức cao hơn.

“Kẽ hở” trong chính sách và tâm lý ham rẻ của người đọc đã tạo cơ hội cho sách in lậu trà trộn vào thị trường. Ảnh: Bá Hoạt


Nghĩ từ một vụ kiện

Vụ kiện của First News với cơ sở gia công sau in Huy Thi đang thu hút sự quan tâm của giới làm nghề và dư luận có thể "gói gọn" như sau: Sau khi chủ động cung cấp thông tin và cơ quan chức năng phát hiện gần 10 nghìn cuốn sách lậu, sách giả và một lượng lớn trang bìa, ruột của một số sách chưa thành phẩm mang thương hiệu First News ở cơ sở gia công sau in Huy Thi tại Hà Nội, First News đã khởi kiện cơ sở Huy Thi tại TAND Hà Nội vào tháng 7-2012. Qua phiên sơ thẩm và mới đây nhất là phúc thẩm (8-2014), đơn kiện của First News bị bác bỏ và Huy Thi chỉ bị phạt hành chính và buộc tiêu hủy số sách không có nguồn gốc hợp pháp.

Lý do mà Huy Thi đưa ra được công bố rộng rãi trên truyền thông và phần lớn phản hồi đều cho là không thuyết phục: Rằng họ chỉ là cơ sở gia công sách sau in, nên chỉ phạm lỗi ở chỗ chưa hỏi rõ nguồn gốc sách lậu mang thương hiệu First News; và do nhận đơn hàng qua điện thoại nên mất liên lạc và… không biết chủ đơn hàng là ai!

Đại diện nhiều nhà xuất bản (NXB), các đơn vị làm sách tư nhân, đại diện lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam và nhiều bạn đọc đều cho rằng: Kết quả xét xử này có thể tạo ra tiền lệ xấu, tiếp tục làm rối thêm tình trạng in lậu đang gia tăng, công khai như hiện nay. Bởi lẽ, cơ sở gia công sau in này đã không bị xem xét và chịu trách nhiệm dưới góc độ trốn thuế, tham gia vào một khâu trong quá trình làm hàng giả. Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In Hà Nội nêu rõ quan điểm: "Không thể nói cơ sở gia công không biết nguồn gốc cũng như tính hợp pháp của lô hàng mà mình nhận thực hiện không có trách nhiệm gì. Chúng ta khuyến khích việc chuyên môn hóa trong các công đoạn in ấn, gia công… nhưng các công đoạn này phải được gắn kết chặt chẽ và tuân thủ theo quy định của pháp luật".

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Sự thất bại của First News đơn thuần nằm ở việc chọn sai quan hệ pháp lý để khởi kiện. Cụ thể, First News khởi kiện Huy Thi và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng lại hoàn toàn bất lợi trong việc cung cấp chứng cứ thiệt hại khi toàn bộ số sách chưa tung ra thị trường…

Đến đây thì phải nói, kết quả xét xử một vụ kiện cụ thể như trên cũng quan trọng, nhưng chưa phải là mục đích cuối cùng. Điều lớn hơn là từ đây, những bất hợp lý, kẽ hở của luật pháp khiến nạn in lậu tiếp tục hoành hành có được tiếp tục xem xét, được giải quyết thấu đáo hơn hay không?

Sách lậu bán tràn lan khiến các doanh nghiệp xuất bản lao đao. Ảnh: Đức Minh


Muốn tự cứu mình cũng khó

Tham gia kiện tụng không phải là việc "thích thú" hay mong muốn của đơn vị làm sách. Sự lên tiếng của First News được cả cơ quan quản lý ngành xuất bản và dư luận cho là việc nên khuyến khích vì đã "tự mình cứu mình trước". Nhưng điểm lại các đơn vị đã lên tiếng và đặc biệt là theo kiện mấy năm như First News thì hầu như không có.

Đại diện NXB Phụ Nữ cho biết, rất nhiều đầu sách bán chạy của NXB Phụ Nữ bị in lậu ngang nhiên. Nhiều lần NXB đã chủ động cung cấp thông tin, báo cáo với cơ quan chức năng những địa chỉ in lậu sách của mình, nhưng rồi vụ việc cũng không được xử lý đến nơi đến chốn. Thực tế, rất nhiều NXB (không bán giấy phép) mà trực tiếp mua bản quyền, xuất bản sách đến nay cũng nản vì không đủ nhân lực, tài lực để chống lại nạn in lậu.

Nhiều năm nay, ít nhiều cũng có dấu hiệu một số đơn vị làm sách tư nhân cùng các nhà phát hành bắt tay nhau, tạo ra thương hiệu làm sách bản quyền, nhưng lực vẫn còn mỏng. Đặc biệt, trong cơn khó khăn và cạnh tranh ghê gớm của ngành in hiện nay thì những miếng mồi béo bở từ sách lậu vẫn còn rất hấp dẫn với nhiều cơ sở in. Chưa kể, nhất là sau vụ việc của First News nêu trên, nhiều "Huy Thi" khác có thể "yên tâm" tiếp tục kiếm lợi bằng gia công hàng giả, rồi lại bao biện rằng "không rõ chủ hàng là ai"…

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Hiện nay, theo quy định của pháp luật các hành vi in lậu sách mới chỉ có chế tài xử phạt hành chính theo Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản và Nghị định 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Rõ ràng là chưa đủ sức răn đe". Tuy nhiên, hy vọng việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này sẽ hiệu quả hơn khi Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19-6-2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in có hiệu lực ngày 1-11-2014 đã có những quy định về các điều kiện nhận chế bản, in, gia công sau in (Điều 16: Điều kiện nhận chế bản, in, gia công sau in là: "Có hợp đồng in theo quy định của pháp luật hoặc phiếu đặt in theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định giữa cơ sở in với cơ quan, tổ chức, cá nhân đặt chế bản, in, gia công sau in (bao gồm việc tăng số lượng đối với từng sản phẩm in)".

Như vậy, thực tế thì chạy trước các quy định và chế tài xử phạt lại chạy theo sau. Thử hỏi làm sao mà các đơn vị làm sách chân chính không nản, khi thấy "tự mình cứu mình" cũng đâu có dễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đơn vị làm sách chân chính trước nạn in lậu: Tự cứu mình đâu dễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.