Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc cần kíp là đơn giản hóa thủ tục

Thu Trang| 24/11/2014 06:27

(HNM) - Tại hội thảo

Khó tiếp cận

Methadone được ví như phao cứu sinh của người nghiện bởi nó có thể giúp giảm đáng kể việc sử dụng ma túy, đưa những người lầm lỡ trở lại cuộc sống bình thường.

Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân cai nghiện bằng thuốc Methadone tại một cơ sở điều trị. Ảnh: Dương Ngọc


Từ tháng 4-2008, chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone đã được triển khai thí điểm tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Sau 5 năm, chương trình này thu được kết quả nhất định, số người tái nghiện và lây nhiễm HIV giảm đáng kể. Tuy nhiên, cho đến ngày 15-11-2014, mới có 38/64 tỉnh, thành phố (122 cơ sở) triển khai điều trị Methadone cho hơn 22.000 người nghiện chất dạng thuốc phiện (đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015). Trên thực tế, tại các địa phương nói trên, việc tiếp cận với chương trình của người nghiện còn gặp rất nhiều rào cản.

Theo mạng lưới của người sử dụng ma túy tại Việt Nam (VNPUD), những người nghiện tìm đến các điểm điều trị cai nghiện thay thế bằng Methadone hy vọng rằng mình sẽ từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời. Tuy nhiên, hiện nay, thủ tục xét chọn người tham gia còn rườm rà, thời gian chờ đợi lâu, việc đăng ký cai nghiện bằng Methadone đòi hỏi nhiều giấy tờ cần xác nhận, người nghiện thường phải đến 5-6 nơi để xin dấu. Điều đáng nói là người sử dụng ma túy thường gặp khó khăn khi xin xác nhận của chính quyền địa phương, thậm chí, một số nơi không muốn xác nhận cho họ vì sợ ảnh hưởng đến thành tích. Một người nghiện ma túy tại Hà Nội tâm sự: "Ngoài việc khai rõ lý lịch thì khi đến trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn làm các thủ tục xét nghiệm, người làm đơn còn phải xin xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú. Tôi đăng ký tham gia gần 2 tháng nay mà vẫn chưa xong thủ tục, vì không nơi nào chịu xác nhận. Đến UBND phường, họ bảo sang bên công an, đến bên kia thì phía công an lại bảo không có thẩm quyền".

Theo bà Hoàng Thị Hiền, thành viên Tổ chuyên gia của Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm, nghịch lý nằm ở chỗ, trong khi việc tiếp cận của người nghiện đối với cơ sở điều trị Methadone còn khó khăn thì nhiều cơ sở điều trị rất vắng bệnh nhân. "Trên thực tế, khi chúng tôi đi kiểm tra, có nơi chỉ tổ chức cho người nghiện uống thuốc vào buổi sáng, buổi chiều không có người đến nên họ đóng cửa. Để vận hành một cơ sở đủ điều kiện điều trị cai nghiện bằng Methadone không đơn giản, nếu người nghiện không thể tiếp cận với chương trình thì đó là một sự lãng phí lớn. Hơn nữa, nhiều người nghiện mong muốn được tiếp cận điều trị theo cách tế nhị hơn bởi họ sợ bị mất việc làm nếu bị công khai danh tính và tình trạng điều trị", bà Hoàng Thị Hiền nói.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đó là sự quan tâm chưa thỏa đáng của các cấp chính quyền địa phương và tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ từ trung ương, đặc biệt là nguồn tài chính và nhân lực còn thiếu và yếu. Việc triển khai điều trị nghiện bằng Methadone chủ yếu được thực hiện bằng nguồn viện trợ từ bên ngoài nhưng hiện nay nguồn này bị cắt giảm, chỉ còn khoảng 70% so với trước. Đó là nguyên nhân gây khó khăn cho việc mở rộng diện điều trị. Mặt khác, mỗi trung tâm điều trị Methadone cần ít nhất 8-10 cán bộ y tế nhưng hiện nay đội ngũ này chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với mức lương thấp, áp lực công việc cao, không có ngày nghỉ… là những yếu tố khiến chất lượng phục vụ còn hạn chế.

Tiết giảm tối đa thủ tục

Mới đây, ngày 31-10, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone trong năm 2014 và 2015. Sự quan tâm của Chính phủ đối với việc triển khai liệu pháp này là rất rõ ràng. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình một cách hiệu quả, bài toán cần giải là làm thế nào để mở rộng các cơ sở điều trị Methadone, giúp người sử dụng ma túy được tiếp cận với chương trình này một cách thuận tiện. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, để tiết giảm tối đa thủ tục đăng ký tham gia chương trình đối với người nghiện, các cơ quan liên quan đang rà soát lại các khâu, mục tiêu nhằm đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính. Nhiều phần việc cần thiết đang được tiến hành, như tính toán xây dựng và triển khai mô hình "Điểm cấp phát thuốc" tại các trạm y tế xã, nhất là khu vực miền núi nhằm tạo thuận tiện cho bệnh nhân đến uống thuốc hằng ngày. Thời gian uống cũng sẽ được bố trí phù hợp hơn.

Đồng tình với ý kiến trên, luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS đề nghị: Nên quy định chỉ cần có CMND là được tham gia điều trị Methadone. Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục, nên coi người nghiện là người bệnh để việc điều trị hiệu quả hơn. Mặt khác, nhằm tăng cường hiệu quả của chương trình Methadone, việc xã hội hóa các cơ sở điều trị cho người nghiện cần được nghiên cứu triển khai. Ngoài ra, nguồn ngân sách trung ương cũng cần được tăng cường, bảo đảm mức tối thiểu để mua thuốc điều trị cho các tỉnh, thành phố còn khó khăn (ưu tiên miền núi) và đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, cần có biện pháp nâng cao ý thức của người nghiện trong việc thực hiện nghiêm các quy định về điều trị, không bỏ điều trị giữa chừng, chia sẻ khó khăn với cán bộ y tế và các cơ sở điều trị, tham gia tích cực vào chương trình điều trị cai nghiện bằng Methadone.

Thuốc Methadone được sử dụng rộng rãi tại gần 80 quốc gia trên thế giới để điều trị đau mạn tính, điều trị hỗ trợ cắt cơn và điều trị thay thế duy trì cho người nghiện chất dạng thuốc phiện. Điều trị bằng Methadone rẻ hơn điều trị cai nghiện bắt buộc 12 lần với tỷ lệ tuân thủ điều trị đạt mức 90% (với cai nghiện bắt buộc, tỷ lệ tái nghiện lên tới 90%). Theo quy định, thời gian xét duyệt hồ sơ điều trị cai nghiện bằng Methadone là 10 ngày nhưng trong thực tế, tại nhiều địa phương, người nghiện phải mất khoảng vài tháng mới có thể tiếp cận được thuốc điều trị.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc cần kíp là đơn giản hóa thủ tục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.