Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu người giúp việc sau Tết: Có nguyên nhân từ cả hai phía

Thùy Ngân| 05/03/2015 07:09

(HNM) - Đã thành chuyện


Như là chuyện... tất yếu

Sau những ngày nghỉ Tết tất bật và bề bộn công việc, chị Phương Lan (phố Thái Thịnh, quận Đống Đa) đếm từng ngày, mong NGV ở quê lên. Việc phụ giúp chị dọn dẹp nhà cửa chỉ là phần nhỏ, quan trọng hơn là đưa đón và chăm sóc hai đứa con nhỏ sau mỗi buổi học. Việc nhà, việc cơ quan, không phải cán bộ, công nhân, viên chức nào cũng có thể chu toàn. Trước khi NGV về quê, chị Lan nhắc đi nhắc lại: Muộn nhất là sáng sớm mùng 6 phải có mặt để trông nhà, trông trẻ cho vợ chồng chị đi làm. Vậy mà gần sát giờ đi làm mới thấy NGV tay xách nách mang lên tới. Kể chuyện với bạn bè, nhiều người còn bảo, thế là may lắm rồi, những người khác toàn cầm chắc lịch từ mùng 10 đến ngoài rằm tháng Giêng NGV mới trở lại. Lý do họ đưa ra thật đơn giản, nơi thì có phong tục nghỉ Tết đến hết ngày hạ cây Nêu, nơi thì "tháng Giêng là tháng ăn chơi" với dăm ba lễ hội làng trên xóm dưới, nhiệt tình lắm thì ngoài rằm mới nghĩ đến công việc.

Ảnh: Việt Trung


Sau vài ba năm "bị động" về NGV, gia đình chị Phạm Ngọc Hà (khu Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã có kinh nghiệm xoay xở lúc "neo người". Thay vì mong ngóng, chờ trực NGV, hai vợ chồng chị phân công nhau đưa đón hai đứa con, chăm sóc con sau mỗi buổi học. Tuy vậy, không phải ai cũng thu xếp việc gia đình ổn thỏa như chị Hà, nhiều gia đình có con nhỏ nhưng một trong hai vợ chồng bận việc không thể thay đổi lịch, không chủ động được về thời gian thì NGV là phương án lựa chọn tất yếu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu NGV sau Tết không chỉ là nỗi lo của các gia đình công chức, viên chức, mà còn là của không ít các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Bà Nguyễn Thị Tâm (chủ quán cơm bình dân ở phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng), cho biết dù sau Tết bán hàng rất chạy, nhưng bà cũng chỉ dám mở hàng bán ít bún buổi sáng chứ chưa dám bán cơm trưa vì không có NGV. Ngoài lý do bận cấy hái đầu năm, NGV của bà Tâm còn giao hẹn, nếu lên bán hàng sớm thì gần rằm lại phải cho về nhà có việc.

Bà Trần Thị Ngân (một chủ hộ kinh doanh thực phẩm ở phố Khâm Thiên, quận Đống Đa) thì khác, đã là địa chỉ quen thuộc của khách hàng, bà Ngân phải huy động con cháu phụ bán hàng thay NGV trong những ngày đầu năm. Bà Ngân cho biết, cả nhà đành cố gắng vậy chứ bán hàng chủ yếu là lấy công làm lãi mà cứ "đắm đuối thuê bằng được NGV hoặc trả công cao" thì hết lãi.

Thiếu sự ràng buộc


Đề cập đến vấn đề "công xá" của NGV trong dịp Tết và sau Tết, nhiều người phàn nàn rằng đây là thời điểm thuận lợi NGV hay đề cập đến tiền ngày công. Chị Trịnh Thu Huyền (phố Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) bức xúc: “Năm vừa rồi, tôi đã trả công NGV 3,5 triệu đồng/tháng (chưa kể chi phí ăn uống, sinh hoạt trong gia đình). Trước khi nghỉ Tết, tôi thanh toán công xá và thưởng đầy đủ, NGV cũng hứa hẹn thiện chí trở lại. Vậy mà mùng 5 Tết vừa rồi, họ gọi điện cho tôi nói rằng nơi khác đang trả họ 4 triệu đồng/tháng, nếu tôi đồng ý trả 4 triệu/tháng thì họ xin nghỉ”. Theo chị Huyền, tăng thêm tiền lương là một chuyện, vấn đề là họ khiến mình bị động vì cách làm ăn "được chăng hay chớ", không có trách nhiệm. Nếu họ có ý định tìm việc nhiều tiền hơn, họ nên nói cho mình biết để mình chủ động công việc từ trước Tết. Nay hỏi đến các trung tâm giới thiệu việc làm cũng không tìm được ai đồng ý đi làm ngay mà giữ mức giá như cũ, chưa kể chi phí môi giới việc làm phải trả cho trung tâm.

Theo quy định tại Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động và NGV gia đình phải ký kết hợp đồng lao động, cùng có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các điều khoản đã giao kết trong hợp đồng lao động. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào, nhưng phải báo trước 15 ngày. Luật sư Nguyễn Hồng Thái (Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp), cho biết: Hiện nay quy định của pháp luật về hợp đồng lao động đối với NGV khá đầy đủ, nhưng thực tế thì dường như rất ít gia đình ký kết hợp đồng lao động với NGV mà đa phần là thỏa thuận miệng. Nguyên nhân tình trạng này xuất phát từ cả hai phía. Thứ nhất, do NGV có trình độ học vấn thấp, không dám ký kết hợp đồng lao động. Thứ hai, là do người thuê thường tìm chọn NGV có mối quan hệ họ hàng, bạn bè giới thiệu nên nể nang không giao kết hợp đồng bằng văn bản. Bên cạnh đó, trong khi nhu cầu về lao động giúp việc ngày càng tăng, khâu đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho NGV vẫn chưa được chú trọng. Mặt khác, theo quy định của pháp luật,"người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ hạn trả lương của người lao động với khoản tiền lương tương ứng với số tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật... nhưng nhiều người sử dụng lao động đã cố tình không ký hợp đồng lao động để... lờ đi khoản trách nhiệm này.

Từ cả hai phía, nếu NGV không được đào tạo những kỹ năng cần thiết, người sử dụng lao động không có những ràng buộc trách nhiệm thì chắc chắn chuyện thiếu NGV sau Tết sẽ vẫn là câu chuyện dài.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu người giúp việc sau Tết: Có nguyên nhân từ cả hai phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.