Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ khó cho y tế cơ sở

Thu Trang| 30/03/2015 06:41

(HNM) - Y tế cơ sở (YTCS) được nhìn nhận là thành phần quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam và cũng là tuyến y tế gần dân nhất, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Tuy nhiên, sự phát triển của tuyến này đang đối diện với nhiều khó khăn.


Nhiều nhưng chưa mạnh

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có gần 11.000 trạm y tế xã với hàng trăm nghìn cán bộ y tế đang công tác; có 622 bệnh viện (BV) tuyến huyện với tổng số 68.959 giường bệnh; 651 phòng khám đa khoa khu vực với 6.752 giường bệnh. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cung cấp đến mọi người dân, kể cả ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và điều đó được các tổ chức quốc tế công nhận là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế. Tuy nhiên, tuyến YTCS đang đối diện với nhiều khó khăn.

Khám chữa răng cho người dân tại Trạm Y tế xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm).



Không chỉ có cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh, việc thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở còn gặp khó khăn do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cách thức tổ chức tuyến y tế này còn có sự cồng kềnh, quá nhiều đầu mối ở tuyến huyện, cơ sở vật chất và nhân lực đều có sự hạn chế, công tác quản lý bộc lộ sự chồng chéo. Chính vì vậy, chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân, dẫn đến tình trạng vượt tuyến, gây quá tải cho các BV tuyến trên, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe. Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dẫn chứng, trong năm 2014, có 36 triệu lượt người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tại y tế tuyến xã, 58,8 triệu lượt khám tại y tế tuyến huyện nhưng tổng chi khám chữa bệnh ở cả hai tuyến này chỉ bằng 30% tổng chi phí BHYT đã thanh toán. 70% còn lại được chi cho 41 triệu lượt người bệnh đến khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh và trung ương.

Khả năng hạn chế của YTCS và tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến tạo sức ép không có lợi cho nhiều BV tuyến trên, BV chuyên khoa; những BV này, thay vì tập trung điều trị cho các ca bệnh phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, lại phải thực hiện cả những kỹ thuật điều trị cơ bản, phổ biến. Trong khi đó, theo Giám đốc quản lý Chương trình WHO khu vực Tây Á - Thái Bình Dương Takeshi, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng lên 8 năm kể từ năm 1980 đến nay. Khi bắt đầu bước sang giai đoạn già hóa, mỗi cá nhân có thể bị cùng lúc nhiều bệnh lý mạn tính nhưng y tế tuyến cơ sở của Việt Nam chủ yếu chỉ xử lý các tình huống cấp tính, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều trị và quản lý những bệnh mạn tính.

Củng cố hệ thống,tạo niềm tin cho dân

YTCS là tuyến gần dân, giữ vai trò phát hiện bệnh sớm và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản (gần 80% số bệnh tật). Nếu cả hệ thống phát triển, bảo đảm cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao thì các đơn vị YTCS sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản lớn khi cần sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Do đó, theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, chúng ta phải thay đổi quan niệm về vai trò của các nhân tố cấu thành hệ thống y tế quốc gia. Không thể coi nhẹ vai trò của YTCS trong phòng bệnh và điều trị hay coi vai trò của người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu kém hơn người làm y học chuyên sâu, kỹ thuật cao. Việc củng cố tuyến YTCS cần hướng đến việc đổi mới nhận thức về vai trò, vị trí của YTCS gắn với trọng tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời dành nguồn tài chính riêng để ưu tiên đầu tư cho YTCS.

Chỉ đạo tại hội nghị nói trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới YTCS ở Việt Nam và mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến xã phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc xác định đúng vị trí, vai trò của YTCS và bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh ở tuyến cơ sở là rất quan trọng, cần phải được chuẩn hóa và đánh giá công khai. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng, phù hợp với đội ngũ bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên ở tuyến cơ sở, chú trọng thúc đẩy việc luân chuyển đội ngũ y, bác sĩ nhằm giúp tất cả mọi người có điều kiện nắm bắt thực tiễn, học tập thêm để có sự tiến bộ trong nghề nghiệp.

Về vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống YTCS, Phó Thủ tướng yêu cầu công tác này phải được thực hiện sát với thực tế, tránh tình trạng bà con ở vùng sâu, vùng xa phải đi cả ngày mới đến được trạm y tế xã trong khi nhiều trạm y tế xã, phường ở đô thị và các tỉnh đồng bằng có khi chỉ cách BV, trung tâm y tế huyện 5-10 phút đi xe máy, nhà xây rất khang trang nhưng hiệu năng sử dụng rất thấp. Thời gian tới, ngành y tế cần tính toán đầu tư cho YTCS một cách hiệu quả nhất, theo tinh thần "chỗ khó thì làm trước". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: "Quan trọng nhất là làm sao để YTCS nói riêng và ngành y tế nói chung nhận được niềm tin của nhân dân; làm sao để khi nghe bác sĩ, dù là người của trạm y tế xã hay BV trung ương đưa ra lời khuyên thì người dân đều tin tưởng làm theo".

Bộ Y tế sẽ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường YTCS, quy hoạch mạng lưới y tế hiệu quả. Các giải pháp gồm: Đánh giá, tổng kết mô hình bác sĩ gia đình gắn với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu để xem xét nhân rộng cho phù hợp; đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ, trong đó chú trọng tới tăng cường quản lý sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ và phục hồi chức năng tại nhà, tại cộng đồng, đặc biệt là đối với các bệnh không lây nhiễm; nâng cao năng lực của YTCS trong khám, phát hiện, sàng lọc, chuyển người bệnh lên tuyến trên linh hoạt, hiệu quả.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó cho y tế cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.