Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm: Phạt thế, không ai sợ!

Minh Phú| 13/04/2015 06:08

(HNM) - Năm 2015 được xác định là năm về an toàn thực phẩm của ngành nông nghiệp, song mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước cùng với chính quyền địa phương đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, vi phạm vẫn xảy ra nhiều...

Thực phẩm bày bán ngoài chợ cần có nguồn gốc cụ thể nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Ảnh: Đàm Duy


Tỷ lệ cơ sở xếp loại C vẫn cao

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2015 có 25 tỉnh triển khai kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản theo Thông tư 45 của Bộ về đánh giá xếp loại các cơ sở. Kết quả cho thấy, tỷ lệ các cơ sở loại C được kiểm tra ít nhưng lượng cơ sở tiếp tục xếp loại C ở mức cao. Cụ thể, đối với cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh thực vật và sản phẩm thực vật có 24,4% cơ sở xếp loại C được tái kiểm và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 47,3%; Với cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh động vật và sản phẩm động vật (trên cạn), có 26,4% cơ sở xếp loại C được tái kiểm tra và tỷ lệ tiếp tục xếp loại C là 41%. Cơ sở trong chuỗi sản xuất kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản có 32,8% cơ sở xếp loại C được tái kiểm, nhưng tỷ lệ tiếp tục xếp loại C chiếm đến 46%. Các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp xếp loại C là 22,6%.

Còn theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, trong quý I, qua kiểm tra đột xuất tại tỉnh Hậu Giang, Thanh tra Bộ và Cục Thú y đã phát hiện một số cơ sở sản xuất thuốc thú y có sử dụng kháng sinh cấm, thức ăn bổ sung không có trong danh mục. Các cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy số sản phẩm thuốc thú y có kháng sinh cấm và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 66 triệu đồng. Ngoài ra, còn tịch thu trên 4 tấn thức ăn chăn nuôi có chứa chất cấm Salbutamol và xử phạt vi phạm với số tiền 170 triệu đồng.

Tại Hà Nội, theo bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, trong quý I năm 2015, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 20 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua kiểm tra đã xử lý vi phạm 16 tổ chức, cá nhân vi phạm về sản xuất kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận đủ an toàn vệ sinh thực phẩm, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, vi phạm nhãn hàng hóa, không có hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, kinh doanh, bảo quản không bảo đảm quy định, kinh doanh giết mổ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y với số tiền trên 100 triệu đồng… Trong đó, đã tiêu hủy 9.284kg sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn tồn tại trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Chí Toàn


Tập trung xây dựng các chuỗi

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong năm 2015, ngành nông nghiệp phải tổ chức, kiểm tra phân loại 100% cơ sở kinh doanh nông lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp đã thống kê được, đặc biệt là đối với những cơ sở xếp loại C phải được tái kiểm thường xuyên. Trong trường hợp kiểm tra nhiều lần, nhắc nhở khắc phục sửa chữa vẫn không giải quyết, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trong tháng 4, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung làm mạnh hơn nữa việc phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn và duy trì giám sát thực phẩm trong nước và nhập khẩu. Bộ NN&PTNT cũng vừa ban hành dự thảo chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội năm 2015. Theo đó, thời gian tới sẽ ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ rau, thịt an toàn cũng như tiêu chí quy định về yêu cầu sản phẩm rau, thịt được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiến hành giám sát, cảnh báo, truy xuất nguồn gốc, thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm, gian lận thương mại để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Các cơ quan cần hướng dẫn người dân sử dụng các loại vật tư nông nghiệp thân thiện với môi trường, đúng cách, không lãng phí gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, ngoài những chính sách hỗ trợ của Trung ương, các địa phương cần có các chính sách về phát triển nông nghiệp an toàn sinh học, công nghệ cao. Tuyên truyền hướng dẫn người dân từ chăn nuôi, trồng trọt đến nuôi trồng thủy sản phát triển theo mô hình VietGap, tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất để có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm khi đưa ra thị trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm: Phạt thế, không ai sợ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.