Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa thực phẩm sạch ra thị trường: Còn lắm gian nan

Tiến Thành| 25/11/2015 07:45

(HNM) - Nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân là tất yếu trong bối cảnh thực phẩm được nuôi trồng, chế biến có sử dụng chất cấm tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, nghịch lý ở chỗ việc tiêu thụ sản phẩm sạch tại các chợ truyền thống lại rất khó, bởi những nguyên nhân đến từ nhiều phía.


"Thịt sạch" bị ép

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, 2 sạp chuyên bán thịt lợn sạch đầu tiên theo tiêu chuẩn "thực hành chăn nuôi tốt" (VietGAHP) tại chợ Hòa Bình (Quận 5) đã được khai trương. Thịt lợn bày bán tại đây được lấy nguồn từ 646 hộ chăn nuôi tại huyện Hóc Môn và Củ Chi, được chứng nhận đạt chuẩn VietGAHP. Giá bán thịt lợn ở đây chỉ ngang bằng với giá bán tại các sạp thịt khác trong chợ.

Rau sạch bày bán trong hệ thống cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh.



Tuy nhiên, niềm vui của người dân vì từ nay đã được sử dụng thịt sạch mua ngay tại chợ truyền thống chưa được bao lâu thì xuất hiện khó khăn. Nguyên nhân là do sạp bán hàng theo chuẩn VietGAHP đắt khách khiến những tiểu thương bán thịt thông thường tại chợ "nóng mắt". Do đó, họ gây sức ép với Ban quản lý chợ Hòa Bình yêu cầu sạp thịt sạch gỡ bỏ biển hiệu. Đồng thời, các tiểu thương bán thịt thông thường cũng tự ý treo biển "thịt sạch", người tiêu dùng như bị lạc giữa mê cung, không biết đâu để tìm được thịt sạch đúng nghĩa. Theo Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (đơn vị triển khai bán thịt lợn VietGAHP tại chợ Hòa Bình), doanh nghiệp tiếp tục mở thêm một số cơ sở bán lẻ thịt tại chợ Bà Điểm (Hóc Môn), chợ Tân Định (Quận 1)…, với số lượng mỗi ngày khoảng 500kg thịt sạch. Số lượng thịt bán lẻ tại các chợ của Công ty An Hạ chỉ là một phần nhỏ trong hơn 20 tấn thịt sạch mà công ty này cung cấp cho các cơ sở nhà hàng, khách sạn lớn hằng ngày.

Với những khó khăn về thị trường, nhiều đơn vị kinh doanh sản xuất thịt sạch cũng không dám đưa sản phẩm ra thị trường bán lẻ. Theo đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (Tập đoàn C.P Thái Lan), công ty đã đầu tư hệ thống sản xuất khép kín từ khâu con giống - chăn nuôi - giết mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhưng cũng chỉ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm sạch của công ty đến người tiêu dùng thông qua các siêu thị lớn chứ không mặn mà trong việc đưa sản phẩm ra chợ truyền thống, mặc dù rất muốn đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.

Rau sạch không dễ ra chợ

Cũng như thịt lợn, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh rau sạch ở TP Hồ Chí Minh không mặn mà lắm với việc đưa rau sạch đến các chợ truyền thống. Nguyên nhân là do nguồn hàng bán chỉ vừa đủ ở các chi nhánh, cửa hàng trong thành phố, đồng thời cũng dễ dàng kiểm soát, truy xuất chất lượng sản phẩm.

Tại một cửa hàng bán rau hữu cơ (không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng) được cấp chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Liên minh Châu Âu (EU) trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Quận 3, TP Hồ Chí Minh), nhân viên bán hàng cho biết, mỗi ngày cửa hàng đón khoảng vài chục khách đến mua hàng, trong đó không phải ai cũng đến để mua rau hữu cơ mà để tìm hiểu các sản phẩm khác. Khoảng 50% lượng khách đến cửa hàng vì thấy quảng cáo trên mạng là sản phẩm "sạch, an toàn" chứ hoàn toàn không có kiến thức, chỉ một số khách đã tìm hiểu thế nào là rau đạt tiêu chuẩn chất lượng. Mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 50kg rau hữu cơ, trong đó một phần được phân phối trong các nhà hàng. Trong thời gian cao điểm, mỗi ngày cửa hàng có thể nhập về thêm để bảo đảm nhu cầu của người tiêu dùng.

Chị Phạm Phương Thảo, Giám đốc Hệ thống thực phẩm hữu cơ Organica, hệ thống kinh doanh trên 50 loại rau củ quả cho biết, mỗi ngày đưa ra thị trường khoảng 100kg rau các loại, tuy nhiên không đưa vào các chợ bán mà thông qua hệ thống cửa hàng riêng. Mặc dù Organica phải đầu tư nhiều vào mặt bằng, hệ thống tủ bảo quản, bao bì đúng chuẩn và nhãn mác rõ ràng, nhưng từ đó sẽ bảo đảm sản phẩm có chứng nhận quốc tế đến tay người tiêu dùng.

Một vài dẫn chứng trên cho thấy, "đường đi" của thực phẩm sạch đến với số đông người tiêu dùng vẫn còn rất gian nan.

Vừa qua, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) triển khai 8 quy trình VietGAHP trong chăn nuôi. Theo đó, 8 quy trình VietGAHP được xây dựng theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam và tiếp cận với các quy trình chăn nuôi các nước trong khu vực ASEAN (AseanGAHP). Từ đó, góp phần làm giảm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giảm rủi ro về dịch bệnh trong gia súc, gia cầm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đưa thực phẩm sạch ra thị trường: Còn lắm gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.