Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao nhìn đâu cũng thấy thực phẩm "bẩn"?

Thu Trang| 30/11/2015 06:50

(HNM) - Tại buổi tọa đàm


Mối lo thuốc diệt cỏ kịch độc tuồn vào nước ta

Theo thông báo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), trong 4 năm trở lại đây, mỗi năm các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra 14 nghìn đơn vị sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Kết quả cho thấy, có khoảng 14-16% số đơn vị có vi phạm, hình thức vi phạm phổ biến là điều kiện buôn bán không đủ an toàn, thậm chí có đơn vị kinh doanh thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc giả… Kết quả lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc BVTV tại các cơ sở sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói và lưu thông hằng năm cho thấy, từ 3 đến 10,2% số mẫu kiểm tra không đạt yêu cầu. Đặc biệt, tình trạng thuốc BVTV nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc lọt qua biên giới thuộc địa bàn Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng… là rất đáng lo ngại.

Người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ các loại thực phẩm bày bán trên thị trường để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Ảnh: Đàm Duy



PGS.TS Nguyễn Kim Vân, Hội Khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam cho biết, tình trạng buôn bán thuốc độc hại ngoài danh mục, thuốc ghi nhãn mác nước ngoài không có hướng dẫn tiếng Việt… vẫn diễn ra phổ biến. Theo số liệu của Sở NN&PTNT Lào Cai, hằng năm, lượng thuốc BVTV được tiêu thụ trong tỉnh ước tính 145-150 tấn và hơn 10% trong số đó là hàng nhập lậu, hàng ngoài danh mục cho phép do Trung Quốc sản xuất, chủ yếu là thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích sinh trưởng cho cây chuối, dứa. Trong số nói trên có thuốc diệt cỏ Paraquat - một trong những loại hóa chất nguy hiểm nhất, đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước nhưng vẫn có thể tìm mua dễ dàng tại Việt Nam. "Vì Paraquat có nguy cơ gây tử vong rất cao nên một số nước không sản xuất ở dạng lỏng. Hiện nay, Trung Quốc có khả năng chuyển thuốc diệt cỏ Paraquat từ dạng lỏng sang dạng bột. Như vậy, một khối lượng lớn thuốc Paraquat dạng lỏng do Trung Quốc sản xuất trước đó có thể được tuồn vào các nước lân cận, trong đó có Việt Nam", PGS.TS Nguyễn Kim Vân lo ngại.

Paraquat có khả năng diệt cỏ rất nhanh (chỉ 24h sau khi phun thuốc, cỏ sẽ bị chết cháy hàng loạt) nên được sử dụng khá phổ biến dù có độ độc mạnh, thuộc danh mục thuốc bị hạn chế, có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, môi trường, đặc biệt là người bị nhiễm sẽ không thể giải độc. Theo Sở NN&PTNT Lào Cai, từ tháng 3-2013 đến tháng 6-2014, trên địa bàn tỉnh có 26 ca ngộ độc thuốc trừ cỏ Paraquat và 80% trong số đó tử vong. PGS.TS Nguyễn Kim Vân cho biết, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn từ bây giờ, thậm chí phải tăng mức phạt với hành vi sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển thuốc BVTV trái quy định để hạn chế tình trạng nhập lậu.

Ngoài thuốc BVTV, việc sử dụng phẩm màu công nghiệp, hóa chất công nghiệp, các hóa chất độc đã bị cấm sử dụng trong nông nghiệp cũng như việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, tùy tiện trong chăn nuôi và cho con người… đều dẫn đến những hậu quả khôn lường về ATTP và sức khỏe của người dân.

Quản lý chồng chéo

Ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững - Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, lực lượng quản lý nhà nước về ATTP đông, cồng kềnh, chồng chéo nhưng không hiệu quả. Đơn cử như Bộ NN&PTNT có 7 cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ này. Bộ Y tế có 2 cơ quan và Bộ Công thương có 3 cơ quan quản lý và kiểm soát ATTP. Mặt khác, hiện nay, việc kiểm soát hoạt động của các phòng kiểm nghiệm ATTP còn thiếu chặt chẽ; chưa có tiêu chuẩn cụ thể về đánh giá công nhận phòng kiểm nghiệm, chưa có tiêu chuẩn chung về trình tự thủ tục đánh giá, công nhận và vì vậy, cùng là xét nghiệm ATTP nhưng tới 3 bộ có quyền chỉ định; cùng một mẫu sản phẩm nhưng khi được gửi tới các phòng kiểm nghiệm khác nhau thì có kết quả khác nhau, sự sai khác từ vài trăm tới vài nghìn lần.

Thực phẩm là lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, do vậy đã xuất hiện biểu hiện "cát cứ", lĩnh vực của bộ nào thì bộ đó quản lý, vì vậy, rất khó bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý thực phẩm. GS Nguyễn Vi Khải (Viện Thực phẩm chức năng Việt Nam - VIDS) dẫn thống kê sơ bộ, cho thấy, hiện có khoảng 80 văn bản liên quan đến hoạt động quản lý ATTP nhưng tính khả thi không cao, doanh nghiệp lúng túng không biết theo luật nào. Để đạt hiệu quả, việc quản lý ATTP phải chặt chẽ, xuyên suốt từ tiếp cận sản phẩm đến quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường chứ không nên cắt đoạn, cùng một sản phẩm nhưng mỗi bộ quản lý một khâu như hiện nay.

Các chuyên gia khẳng định, kể từ khi Luật ATTP có hiệu lực, qua hơn 5 năm thực hiện đã đem lại kết quả bước đầu quan trọng nhưng chưa đủ so với yêu cầu. Các chuyên gia thống nhất kiến nghị: Cần xem xét tổng thể hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm xóa bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn.

Những năm qua, có tới 90% lượng thuốc BVTV sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong vòng 10 năm gần đây, số lượng thuốc BVTV sử dụng tăng 2,5 lần, số loại thuốc đăng ký sử dụng tăng 3,5 lần và giá trị thuốc nhập khẩu tăng 3,5 lần. Khối lượng hoạt chất thuốc BVTV sử dụng trên cây trồng ở Việt Nam cao hơn một số nước (Việt Nam là 2kg/ha trong khi Thái Lan là 1,8kg/ha, Bangladesh là 1,1kg/ha, Senegal là 0,2kg/ha). Theo điều tra của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hằng năm, cả nước có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất BVTV và phải cấp cứu tại bệnh viện, 300 trường hợp tử vong. Ngộ độc thuốc BVTV là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất tại các bệnh viện, chỉ sau cao huyết áp, phổi và tai nạn giao thông.


(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao nhìn đâu cũng thấy thực phẩm "bẩn"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.