Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những hy sinh thầm lặng

Thu Trang| 27/02/2016 09:30

(HNM) - Không thể phủ nhận, ở đâu đó vẫn còn có những lời phàn nàn về thái độ phục vụ, về sự

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.


Sát cánh bên bệnh nhân "đặc biệt"

Nhắc đến HIV/AIDS, ai cũng có suy nghĩ là cần đề phòng hoặc tránh xa. Vậy mà, cán bộ y tế của Bệnh viện (BV) Chăm sóc và Điều trị bệnh nhân HIV/AIDS Hà Nội (BV 09, tại xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) vẫn từng ngày, từng giờ sát cánh cùng bệnh nhân, thầm lặng chiến đấu với căn bệnh thế kỷ với nguy cơ phơi nhiễm cao.

Gắn bó 20 năm với công việc chăm sóc bệnh nhân HIV, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội tổng hợp (BV 09 Hà Nội) kể, cách đây hơn một năm, BV tiếp nhận một nữ bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, nhập viện trong tình trạng "phê" thuốc. Khi vào viện, bệnh nhân liên tục chửi bới, đòi ma túy. Không những thế, bệnh nhân còn hung hãn giật xi lanh từ tay y tá, lấy máu từ cơ thể, vẩy khắp phòng và dọa tiêm máu nhiễm HIV vào mọi người xung quanh. Sau khi các bác sĩ kiên trì khuyên nhủ, bệnh nhân đã chịu về phòng và hợp tác chữa trị. Sau quá trình điều trị, nhờ được chăm sóc tốt nên bệnh nhân khỏe trở lại, tăng cân và xin lỗi về hành vi của mình…

Kể về một "tai nạn" gặp phải trong quá trình làm việc, bác sĩ Hưng nhớ lại: "Một lần cấp cứu bệnh nhân sử dụng ma túy, khi bị tiêm thuốc, bệnh nhân giãy đạp, làm kim tiêm cắm vào tay. Sau 2 tháng, người nhà bệnh nhân đến BV, các bác sĩ mới biết bệnh nhân đang bị HIV giai đoạn cuối. Lúc đó, tôi có hơi giật mình nhưng không quá lo sợ, vì khi bước chân vào nghề, tôi luôn thường trực tinh thần lúc nào cũng có thể bị lây nhiễm bệnh. Tôi luôn tâm niệm mình là thầy thuốc đứng trước người bệnh, nếu có thể chữa trị, giúp đỡ thì chữa cho họ và làm đúng bổn phận, trách nhiệm của mình".

Là Bệnh nhân gắn bó 2 năm với BV, chị Nguyễn Thị H. (29 tuổi, ở Yên Bái) coi đây là ngôi nhà thứ 2. Nói về các bác sĩ nơi đây, chị H. tâm sự, các bác sĩ ở đây thân thiện, gần gũi, không có sự kỳ thị với chúng tôi. Khi vào đây tôi không thấy sợ sệt, e ngại. Không chỉ điều trị, các bác sĩ còn quan tâm chăm sóc, động viên, tiếp thêm sức mạnh để người bệnh có thêm nghị lực sống.

Giống với những thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân có "H", bác sĩ tâm thần cũng là một nghề cực kỳ vất vả. Gắn bó 14 năm với bệnh nhân tâm thần, trải qua không ít buồn vui cùng với họ, bác sĩ Đỗ Văn Thắng, Phụ trách Khoa Bệnh nhân cấp và bán cấp nữ (BV Tâm thần Hà Nội) cho biết, xã hội càng phát triển thì càng có nhiều người bị rối loạn tâm thần sau những sang chấn tâm lý.

Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận 5-6 bệnh nhân. Những người vào đây thường xuyên có biểu hiện kích động, gào thét, chạy nhảy, đập phá… Bình thường phụ nữ yếu ớt là vậy, nhưng khi họ phát bệnh thì có đến 4-5 người cũng khó mà giữ. Không chỉ vậy, công tác chăm sóc những bệnh nhân nữ cũng vô cùng khó khăn. Các bác sĩ phải trợ giúp đối với hầu hết sinh hoạt thường ngày của họ, từ việc ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân, kể cả vấn đề "tế nhị" mà phụ nữ gặp phải hằng tháng. "Nếu không có sự cảm thông với người bệnh thì khó có thể trụ lại với nghề" - anh Đỗ Văn Thắng tâm sự.

Đối với những bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần do nghiện chất như bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, BV Tâm thần Hà Nội, thì việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần như chăm con mọn, từ việc hướng dẫn họ những việc nhỏ nhặt: Vệ sinh, đánh răng, rửa mặt, ăn… đến việc tâm sự với họ. Song, người bị bệnh tâm thần chẳng khác nào "bom nổ chậm" có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Hầu hết bệnh nhân tính tình bất thường, dễ xúc động, nóng nảy, chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ là trở nên manh động. Bởi thế, chuyện bác sĩ bị đánh, điều dưỡng đang đút cơm bị người bệnh phun thức ăn vào mặt không có gì là lạ ở đây.

Nỗi lòng người bác sĩ

Chịu nhiều áp lực nhưng các y bác sĩ làm việc tại các BV 09, BV Tâm thần gặp nhiều khó khăn về đời sống, về nhà ở, về các chế độ... Tất cả những khó khăn càng tạo thêm áp lực trong công việc đối với họ. Giám đốc BV Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình chia sẻ, nhiều người không chọn nghề bác sĩ tâm thần chính là vì họ biết đó là nghề nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Khó khăn, vất vả là thế nhưng xã hội lại chưa nhìn nhận đúng vai trò của những người thầy thuốc đảm nhận công việc đặc biệt này. Chế độ đãi ngộ thấp, khiến việc tuyển dụng bác sĩ vào các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tâm thần rất khó khăn.

Dù chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS có nhiều đặc thù và thiệt thòi hơn so với các lĩnh vực khác, song dường như duyên nợ, nhiều lần định "dứt áo ra đi", bác sĩ Hưng lại không đành. Bác sĩ Hưng bộc bạch, nhiều lần muốn chuyển công tác và bỏ nghề vì thấy ngành Y vốn quá khắc nghiệt. Có thể chữa cho cả nghìn người, đó cũng là hiển nhiên, không ai tính, nhưng sơ sẩy chết một người thì cả xã hội lên án. Bản thân tôi cũng có nhiều cơ hội công việc ở môi trường tốt hơn với thu nhập cao hơn, vị trí cao hơn, nhưng cứ khi nào có ý định chuyển thì lại không dứt áo đi được. Phần vì gia đình lại động viên, phần vì như có điều gì đó cứ níu kéo.

Dẫu biết rằng, công việc hiểm nguy, vất vả nhưng "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…", những cán bộ y tế chọn việc gian khổ để làm, đã làm thắm thêm hình ảnh người thầy thuốc áo trắng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những hy sinh thầm lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.