Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng bệnh viện chưa như mong đợi!

Thu Trang| 01/03/2016 06:24

(HNM) - Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sau 3 năm triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng BV từ tuyến trung ương đến tuyến địa phương đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa như mong muốn của người dân.

Còn bệnh viện đạt điểm kém...

Sau 3 năm "chấm điểm" BV, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Tính đến hết tháng 1-2016, cả nước đã có 1.273 BV các tuyến hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3-12-2013 của Bộ Y tế về việc ban hành thí điểm "Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng BV". Qua đó cho thấy, nhiều cơ sở y tế đã có sự cải tiến rõ rệt.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thái Hiền


Ở góc độ quản lý nhà nước về chất lượng hoạt động khám chữa bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho rằng, trước khi có Thông tư 19/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại BV, chất lượng khám chữa bệnh chưa thật sự được các nhà quản lý quan tâm. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh nhận được không ít phản ánh của người dân về chất lượng phục vụ. Một cuộc khảo sát mức độ đáp ứng mong đợi của người dân khi đến khám chữa bệnh tại các BV ở thời điểm đó cho thấy: Mức độ hài lòng dao động từ 62 đến 87%, mức độ không hài lòng từ 13 đến 38%. Ông Tăng Chí Thượng dẫn chứng, tai biến điều trị vẫn còn xảy ra, giao tiếp, ứng xử với người bệnh của nhân viên y tế bị phản ánh khá nhiều, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, nhất là tại khoa khám bệnh chưa được triển khai hiệu quả... "Ngoài những nguyên nhân khách quan, ngoài khả năng giải quyết của BV như quá tải, cơ sở hạ tầng chậm phát triển, còn có nguyên nhân chủ quan là các BV chưa thật sự xem người bệnh là "khách hàng".

Trước thực tế trên, từ năm 2013, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám chữa bệnh, hằng năm có tổ chức kiểm tra, giám sát, chủ động xử lý những sai phạm… Các hoạt động như vậy đã thúc đẩy các BV chuyển mình theo định hướng của ngành "lấy người bệnh làm trung tâm". Số lượng cuộc gọi phản ánh những bức xúc của người bệnh qua đường dây nóng cũng giảm rõ rệt.

Tuy vậy, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, hiện nay vẫn có BV chỉ đạt tiêu chí ở mức 1 (mức thấp nhất) do bệnh nhân phải nằm ghép, chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi người bệnh. Kết quả chấm điểm BV cũng ghi nhận điểm trung bình của các tuyến trung ương là 3,5 trên tổng điểm 5; tuyến tỉnh, thành phố là 2,8 điểm và quận, huyện là 2,6 điểm.

...Giảm tải vẫn là vấn đề

Một trong những nhóm giải pháp được Bộ Y tế đề ra nhằm mục tiêu giảm quá tải BV là thành lập và phát triển mạng lưới BV vệ tinh. Sau 3 năm triển khai (từ năm 2013), đề án BV vệ tinh đã góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên môn cao, ngay tại địa phương. Năm 2015, mạng lưới BV vệ tinh được nâng lên 15 BV hạt nhân và 53 BV vệ tinh phân bổ tại 37 tỉnh, thành phố trên cả nước, giúp đội ngũ bác sĩ của BV tuyến tỉnh tự tin, làm chủ nhiều kỹ thuật khó, phức tạp, nhiều ca bệnh được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của các BV vệ tinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ nhân lực và khả năng tiếp nhận công nghệ kỹ thuật.

Có thể nói, từ đề án BV vệ tinh, một số kỹ thuật cao đã được thực hiện tại các BV tỉnh như mổ nội soi tiêu hóa, sản phụ khoa, thay khớp háng, kết hợp xương, mổ chấn thương sọ não… Được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai dự án BV vệ tinh (giai đoạn 2013-2015), BV Hữu nghị Việt - Đức cử được 196 lượt giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, điều dưỡng tham gia chuyển giao kỹ thuật tại 7 BV vệ tinh của các tỉnh gồm: Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Giang với 81 lượt kỹ thuật được chuyển giao. Tuy nhiên, đối với các BV tuyến dưới, trang thiết bị phục vụ công tác chuyển giao kỹ thuật chưa được UBND các tỉnh, Sở Y tế và các BV thụ hưởng đầu tư đồng bộ và thường thiếu tại thời điểm chuyển giao. Kế hoạch bổ sung nhân lực của các tỉnh, các BV còn hạn chế, thường không đủ cán bộ để tiếp nhận kỹ thuật...

Đến thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận những lợi ích mà đề án BV vệ tinh mang lại, nhưng để đề án này thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng bệnh viện chưa như mong đợi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.