Theo dõi Báo Hànộimới trên

Em bé rách 7 cm thực quản vì bị té khi ngậm muỗng

Tuệ Diễm| 16/01/2017 19:10

(HNMO) - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận điều trị thành công cho một bệnh nhi bị rách thực quản kéo dài 7cm. Khi nhập viện, bé rơi vào tình trạng nguy kịch vì bị tràn khí trung thất, tràn khí dưới da, tràn dịch màng phổi.


Cháu Nguyễn Ngọc Phương Dung phục hồi sau 20 ngày điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 1.


Ngày 16-1, Bác sĩ Nguyễn Thế Huy - Phó Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, ngày 25-12- 2016 bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Ngọc Phương Dung (sinh tháng 8-2015, ở Tuy Hòa, Phú Yên) trong tình trạng cổ bị sưng vù. Qua khai thác thông tin, người nhà bệnh nhân cho biết, cách đó 3 ngày vào giờ ăn trưa, bé Dung đang ngậm muỗng thì bị té ngã. Đến chiều, người trông trẻ phát hiện vùng cổ của bé sưng vù nên mới gọi phụ huynh về đưa bé đi bệnh viện kiểm tra. Sau khi đưa bé đến bệnh viện Phú Yên, nhận thấy đây là ca bệnh nặng, vượt ngoài khả năng chữa trị của bệnh viện tại đây, bệnh viện đã chuyển bé Dung về bệnh viện Nhi đồng 1 để chữa trị.

Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiến hành kiểm tra. Cháu bé bị nhiễm trùng vùng cổ, tràn khí ở vùng cổ và vùng ngực. Khi chụp CT scan thì thấy rõ tổn thương ở thực quản với vết rách 7cm.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy - Phó Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Ngày 26-12, ê kíp chúng tôi đã tiến hành phẫu thuật vá lại thực quản cho cháu bé. Chúng tôi đã tiến hành mổ đường cạnh cổ với chiều dài gần hết cổ em bé để dẫn lưu khối áp xe phổi do em bé bị nhiễm trùng quá nặng. Sau ca mổ, các bác sĩ phải thay băng cho em bé mỗi ngày. Mỗi lần thay băng phải đưa bé vào phòng mổ, dùng thuốc an thần sau đó bơm oxy già vào rửa vết thương”.

Các bác sĩ cũng đã mở đường ăn cho bé qua dạ dày, bơm thức ăn vào dạ dày. Sau hơn 20 ngày điều trị, bé Dung vẫn phải ăn theo đường lỗ mở ở dạ dày. Dự kiến trước Tết Nguyên đán, em bé sẽ được xuất viện và có thể tập ăn bằng đường miệng với các thức ăn lỏng và ăn theo từng bữa nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thế Huy cho biết, nhiều năm công tác tại Khoa Tai - Mũi - Họng các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị thủng thực quản do ngậm tăm, bị nhành cây đâm phải nhưng chưa bao tiếp nhận trường hợp thủng thực quản nào với vết rách lớn như trường hợp cháu Dung. Qua trường hợp của cháu Dung bác sĩ Nguyễn Thế Huy cũng cảnh báo các bậc phụ huynh hãy cận thận với trẻ nhỏ khi cho trẻ ngậm bất cứ thứ gì vào miệng. Vì mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn tiếp nhận hàng chục ca bị hóc dị vật như hạt dưa, mứt tết, kẹo mút và một số ca bị thủng thực quản do ngậm đũa, ngậm tăm. Khi cho trẻ nhỏ ăn cơm các phụ huynh cũng cần quan sát, theo dõi trẻ, để bảo đảm an toàn cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Em bé rách 7 cm thực quản vì bị té khi ngậm muỗng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.