Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay vì nụ cười trẻ thơ

Quỳnh Anh| 17/01/2017 07:43

(HNM) - Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2016, 123 trẻ bị dị tật môi, vòm miệng ở 24 tỉnh, thành phố đã được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba tổ chức phẫu thuật miễn phí. Sau phẫu thuật các cháu đã không còn mặc cảm với bạn bè, tự tin hòa nhập cuộc sống.

Phẫu thuật hở môi và hàm ếch cho trẻ bị dị tật tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Ảnh: Hoàng Tuấn



"Nuốt nước mắt nhìn con"

Không được may mắn như bao đứa trẻ khác, cháu Bùi Thị Thanh Thảo, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam bị sứt môi, hở hàm ếch từ khi mới chào đời. Mỗi khi em bú mẹ thì sữa lại trào ra đường mũi. Nhìn con ăn uống khổ sở mà chị Nguyễn Thị Ngọc như đứt từng khúc ruột. Gia đình khó khăn, thu nhập chỉ trông chờ vào hơn sào ruộng, được mùa chỉ đủ ăn, mất mùa thì lại phải “giật gấu vá vai” vay mượn hàng xóm nên chị Ngọc chẳng dám đưa con đến bệnh viện để phẫu thuật. Cho đến khi biết thông tin, chị đăng ký với cán bộ dân số xã cho con vào danh sách xin phẫu thuật miễn phí, rồi đợi chờ cơ may sẽ đến với con mình.

“Bây giờ cháu còn nhỏ, chưa biết gì nhưng khi lớn lên sẽ rất tự ti và tủi thân. Cứ nghĩ đến cảnh cháu bị dị tật mà lòng em lại không khỏi xót xa, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên đành chịu. Ngày ngày, em chỉ biết cầu mong cháu sớm nhận được sự quan tâm của cộng đồng, được phẫu thuật để thay đổi số phận”, chị Ngọc tâm sự.

Đồng cảnh ngộ như cháu Thảo là cháu Vi Quốc Anh, ở phường Trường Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La. Vì bị sứt môi, hở hàm ếch nên cháu bị bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên, sức khỏe kém. Mỗi lần ăn, mẹ cháu phải mất hàng giờ bón từng thìa sữa nhỏ để con không bị sặc. “Chồng tôi làm nghề thợ xây, công việc nặng nhọc, lương thấp, lại không ổn định. Tôi chưa tìm được việc làm, với lại hai con còn nhỏ, vì thế gia đình luôn trong cảnh túng quẫn. Cháu Quốc Anh bị dị tật nhưng gia đình cũng chưa biết xoay xở thế nào để đưa cháu đến bệnh viện phẫu thuật”, chị Tạ Thị Thủy cho hay.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 1,2 triệu trẻ em với nhiều dạng tật khác nhau. Số trẻ bị dị tật khe hở môi, vòm miệng khá phổ biến. TS Nguyễn Khánh Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba cho biết, trẻ sinh ra bị dị tật môi, hàm ếch cần được phẫu thuật sớm để cải thiện khả năng ăn uống và hoàn thiện khả năng phát âm, lời nói. Mỗi ca phẫu thuật chi phí khoảng 10 triệu đồng/lần, nhưng với các gia đình nghèo thì số tiền này không nhỏ; chưa kể, nhiều trẻ phải phẫu thuật đến 3-4 lần hoặc hơn mới bình thường được. Vì vậy, nhiều gia đình nghèo nấn ná không đưa trẻ đi phẫu thuật, làm các em mất đi cơ hội có được nụ cười lành lặn như bao đứa trẻ khác.

Niềm vui đã trở lại

Thấu hiểu những thiệt thòi mà trẻ em nghèo không may bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch gặp phải, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã phối hợp Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba triển khai dự án “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị dị tật môi, vòm miệng”. Chương trình đã nhận được 1,2 tỷ đồng tiền tài trợ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank). Trên cơ sở danh sách khám sàng lọc, phân loại tật bệnh, tháng 6-2016, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cuba bắt đầu tổ chức phẫu thuật miễn phí cho các em nhỏ. Tính đến hết tháng 12-2016 đã có 123 trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch ở 24 tỉnh, thành phố được phẫu thuật.

Chị Nguyễn Thị Ngọc, mẹ của cháu Bùi Thị Thanh Thảo đã không giấu được niềm vui sau ca phẫu thuật cho con: “Nay cháu đã có thể ăn uống bình thường, đó là niềm vui lớn nhất của em. Mong rằng có nhiều chương trình nhân đạo như thế này để những đứa trẻ sinh ra kém may mắn như con của em được bù đắp những khiếm khuyết”. Chị Tạ Thị Thủy (mẹ của cháu Vi Quốc Anh) cũng cho biết: “Nhờ sự quan tâm của mọi người mà con tôi đã có nụ cười lành lặn, có thể học nói dễ dàng hơn và không bị mắc tật nói ngọng”.

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cho biết, tất cả các trường hợp phẫu thuật dị tật môi, vòm miệng đều có kết quả rất tốt.

Sức khỏe của các em ổn định, có được tiếng nói rõ ràng và nụ cười tròn xinh trên môi. Bệnh nhân và người nhà đi cùng được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại nên rất phấn khởi.

“Sau khi được phẫu thuật, nhìn những nụ cười rạng rỡ của các cháu, chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc của các bậc phụ huynh chúng tôi thật sự xúc động. Đó cũng chính là động lực giúp chúng tôi - những người làm công tác xã hội thêm nhiệt huyết hơn”, ông Nguyễn Đình Liêu nói. Tuy nhiên theo ông Liêu, hiện nước ta vẫn còn rất nhiều trẻ em đang sống chung với những khuyết tật, dị tật trên cơ thể. Các em rất cần sự quan tâm, ủng hộ nhiều hơn nữa của các tổ chức, cá nhân có lòng nhân ái để tìm lại nụ cười, hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay vì nụ cười trẻ thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.