Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyệt đối không để thiếu thuốc điều trị dịp Tết

Thu Trang| 23/01/2017 06:11

(HNM) - Mới đây, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện trung ương Quân đội 108 (Hà Nội)… đã gửi văn bản lên Bộ Y tế phản ánh tình trạng thiếu thuốc điều trị đặc hiệu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2017. Về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Đông

Không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị dịp Tết Nguyên đán là chỉ đạo của Bộ Y tế. Ảnh: Như Ý


- Được biết, một số bệnh viện xảy ra tình trạng thiếu thuốc, bởi các cơ sở kinh doanh thuốc từ chối cung cấp do họ chưa có văn bản hướng dẫn Luật Dược 2016. Ông có ý kiến gì về sự việc này?

- Chúng tôi đã nhận được các phản ánh nói trên. Theo đó, tình trạng thiếu các thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt (nhóm thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc) như: Giảm đau, gây mê… bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 1-2017. Nhiều bệnh viện buộc phải dùng thuốc thay thế hoặc đi mượn lại của cơ sở y tế khác, nhưng hết sức khó khăn. Nguyên nhân của việc này là do Luật Dược (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, song đến nay nghị định hướng dẫn chưa được ban hành, nên các doanh nghiệp dược dù có sẵn thuốc trong kho vẫn không dám xuất bán, vì sợ vi phạm Khoản 1, Điều 34, Luật Dược. Trong đó quy định cơ sở kinh doanh loại thuốc bắt buộc phải kiểm soát đặc biệt, phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về dược chấp thuận bằng văn bản. Ngay khi nhận được thông tin từ các bệnh viện, chúng tôi đã liên hệ với các cơ sở kinh doanh nhóm thuốc nói trên để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc.

- Vậy hướng giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Về việc bảo đảm cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị khi Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dược 2016 chưa có hiệu lực, Cục Quản lý dược đã có hướng dẫn, giải quyết. Ngày 6-1-2017, Cục Quản lý dược đã có Công văn số 76/QLD-KD gửi các sở y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Tổng công ty Dược Việt Nam, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu thuốc đề nghị các đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, chú trọng sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu. Tất cả các đơn vị phải phân công cán bộ chuyên trách về dược trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 để theo dõi, nắm bắt tình hình và bảo đảm cung ứng thuốc trên địa bàn.

Riêng với nhóm thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, Cục Quản lý dược có Công văn số 582/QLD-KD ngày 19-1-2017 đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc khẩn trương sản xuất, cung ứng thuốc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng các giấy phép và dự trù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân.

- Phải chăng việc Nghị định hướng dẫn Luật Dược chưa được ban hành đã tạo khoảng trống pháp lý?

- Luật Dược 2016 đã có một loạt các quy định chuyển tiếp, tránh gián đoạn hoạt động sản xuất, cung ứng thuốc của các cơ sở kinh doanh dược. Riêng đối với nhóm thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc, Nghị định số 102/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 hướng dẫn Luật Dược và Luật Đầu tư đã cho phép các cơ sở đang kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt được tiếp tục hoạt động cho đến khi thực hiện theo các quy định của Luật Dược số 105/2016/QH13. Đến khi Nghị định hướng dẫn Luật Dược 2016 có hiệu lực thì việc các cơ sở tiếp tục sản xuất, cung ứng thuốc theo đúng các giấy phép và dự trù đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ quy định tại Luật Dược 2005 và các văn bản dưới luật là hoàn toàn hợp hiến, đúng quy định.

- Vậy đến bao giờ, các bệnh viện có đầy đủ các loại thuốc phục vụ điều trị, thưa ông?

- Ngay khi nhận được phản ánh của một số bệnh viện, Cục Quản lý dược đã liên hệ với các cơ sở kinh doanh, kịp thời hướng dẫn, giải quyết vướng mắc của các đơn vị. Việc cung ứng thuốc cho các bệnh viện này, sau đó đã được đáp ứng đầy đủ. Cho đến nay, Cục Quản lý dược chưa nhận được thông tin từ đơn vị nào nữa.

Nhân đây, tôi cũng đề nghị các sở y tế, các cơ sở kinh doanh thuốc, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khẩn trương triển khai hướng dẫn của Cục Quản lý dược tại Công văn số 582/QLD-KD ngày 19-1-2017 về việc kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, nhất là trong dịp nghỉ Tết Đinh Dậu sắp tới.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyệt đối không để thiếu thuốc điều trị dịp Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.