Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thay đổi trong quản lý

Thu Trang| 13/04/2017 06:23

(HNM) - Lãnh đạo các địa phương đã phản ánh về sự vào cuộc quyết liệt thông qua các đợt thanh, kiểm tra ATTP diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, phía sau đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.


Nhân viên thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch sản phẩm thịt gia cầm trước khi lưu thông ra thị trường tại chợ đầu mối Bắc Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Vũ Sinh


Còn nhiều nan giải

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã phản ánh về sự vào cuộc quyết liệt thông qua các đợt thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, phía sau đó vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải.

Ngay sau khi trên địa bàn Hà Nội xảy ra các vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 28 trường hợp nhập viện, trong đó 4 người tử vong, suốt từ ngày 16-3 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, quận Ba Đình đã lập 17 đoàn kiểm tra. Qua kiểm tra 87 cơ sở (18 cơ sở kinh doanh rượu, 69 nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống), đã tịch thu, tiêu hủy hơn 1.100 lít rượu không rõ nguồn gốc, phạt hành chính 53 cơ sở với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng, ngày 6-4 vừa qua, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lại tiếp nhận bệnh nhân Bùi Duy Ph. (50 tuổi ở Kim Mã, Ba Đình) nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung thừa nhận, không riêng rượu, ngay cả vấn đề quản lý ATTP nói chung, nếu chỉ kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy, xử phạt thì mới quản lý được “phần ngọn”.

Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) Đỗ Hữu Tuấn cho rằng, cách đây 3 năm, Hà Nội cũng xảy ra vụ ngộ độc “rượu nếp 29 Hà Nội”. So với các địa phương khác, Hà Nội đã rất quyết liệt và sát sao trong công tác quản lý ATTP. Riêng năm 2016, thành phố đã tổ chức nhiều cuộc thanh, kiểm tra và xử phạt với số tiền lên tới hơn 24 tỷ đồng. Song, do việc sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ xuất hiện ở nhiều nơi, nên dù vào cuộc quyết liệt đến mấy cũng khó triệt để trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, việc quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải có sự thay đổi. Chính quyền các xã, phường, thị trấn đã được giao trách nhiệm quản lý ATTP phải nắm rõ trên địa bàn có bao nhiêu cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, từ đó mới có thể quản lý tốt phần việc này.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Minh Sơn cho biết, từ tháng 3-2016, thành phố phát động phong trào thi đua ATTP và nhận được sự hưởng ứng của 100% đơn vị trên địa bàn. Một số nơi đã xây dựng được những mô hình điểm về ATTP, nhưng chưa được nhân rộng. Hơn nữa, công tác quản lý ATTP của chính quyền cơ sở chưa hiệu quả, thiếu kiểm tra, đôn đốc thường xuyên và thiếu cán bộ chuyên trách về ATTP.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đưa ra dẫn chứng, khi các đoàn của thành phố kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh, hỏi cán bộ quản lý địa bàn nhưng họ không nắm được cơ sở này đã được cấp phép hay chưa. “Ngay trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải niêm yết công khai giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu cơ sở nào không thực hiện sẽ bị xử lý nghiêm” - ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định.

Siết chặt các lò rượu thủ công

Theo Phó Cục trưởng Cục ATTP Đỗ Hữu Tuấn, Tháng hành động vì ATTP được phát động trên toàn quốc, mỗi năm tập trung một chủ đề “nóng”. 3 năm qua, chủ đề được chọn đều liên quan đến chất lượng thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày của người dân. Năm 2017, chủ đề được chọn là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, với một đô thị đông dân như Hà Nội, lĩnh vực ATTP luôn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm hiệu quả mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận, huyện và xã, phường, được Chính phủ đánh giá cao. Quan trọng hơn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, những tồn tại trong công tác ATTP đã hạn chế, vi phạm trong lĩnh vực này đã giảm. Tuy nhiên, vấn đề ngộ độc rượu methanol thời gian gần đây trên địa bàn thành phố trở nên nhức nhối. Chính vì vậy, trong Tháng hành động vì ATTP năm nay, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ, có kế hoạch, làm chi tiết và thường xuyên hơn. Công tác quản lý việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, sẽ phải siết chặt. Các cơ sở nấu rượu thủ công đều phải đăng ký và những vụ ngộ độc gây chết người phải xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc các sở, ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra ATTP, chứ không chỉ giao trách nhiệm cho cấp dưới. Ngay sau khi kết thúc Tháng hành động vì ATTP 2017, trong báo cáo gửi UBND thành phố, các địa phương, sở, ngành phải ghi rõ: Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, huyện, thị xã và Giám đốc, Phó Giám đốc sở đã đi kiểm tra được bao nhiêu lần. Đơn vị nào không có báo cáo sẽ xử lý nghiêm.

"Năm nay, thành phố cũng sẽ có đánh giá thi đua và động viên khen thưởng đột xuất, biểu dương các lực lượng và nhân dân, những người làm tốt công tác ATTP" - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu khẳng định.

Trong Tháng hành động vì ATTP năm nay (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5-2017), thành phố sẽ lập 6 đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác triển khai của các quận/huyện/thị xã, xã/phường và sở, ngành, đồng thời kiểm tra thực tế tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến rau, thịt, rượu trên địa bàn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi trong quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.