Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

Ngọc Quỳnh| 21/04/2017 07:09

(HNM) - Trước thực trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bảo quản trong các kho lạnh gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến thịt.


Không rõ nguồn gốc xuất xứ

Khó khăn lớn nhất đối với cơ quan chức năng là xác minh nguồn gốc nông sản, thực phẩm nhập khẩu được bảo quản tại kho lạnh. Thực tế, một lô hàng hóa nhập qua cửa khẩu khối lượng từ 10 đến 20 tấn, nhưng doanh nghiệp chia nhỏ từ 1 đến 2 tấn bán cho tiểu thương đem ra chợ đầu mối tiêu thụ. Vì vậy, khi cơ quan chức năng kiểm tra, yêu cầu nhưng phần lớn tiểu thương không xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm, nông sản, thành thử khó xác định được chất lượng hàng hóa có bảo đảm điều kiện về vệ sinh ATTP.

Trao đổi về những khó khăn trên, Phó Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Phí Thanh Hải cho biết, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội vừa kiểm tra sản phẩm thịt tại Công ty cổ phần Thực phẩm Thảo Nguyên Xanh (quận Nam Từ Liêm) cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra, công ty này có hoạt động bảo quản, kinh doanh thịt, sản phẩm thịt gia súc gia cầm; có 1 tủ đông lạnh, 1 kho lạnh để bảo quản sản phẩm. Kiểm tra thực tế, kho lạnh sản phẩm thịt của công ty sắp xếp lộn xộn, chưa phân lô từng loại sản phẩm, không thực hiện việc ghi tem nhãn nhận diện sản phẩm. Công ty này cũng không xuất trình được hồ sơ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thịt trâu, xương sụn lợn đông lạnh nhập khẩu. Qua đây cho thấy, tình trạng doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh ATTP.

Qua tìm hiểu tình hình, một số sản phẩm nông sản đồ khô bảo quản ở trong kho chứa cũng thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Mới đây, Sở NN&PTNT kiểm tra chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm tại kho của Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm). Qua kiểm tra cho thấy, kho đồ khô của công ty này có 8 can dấm loại 10 lít/can, 10kg nấm hương không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã niêm phong toàn bộ số hàng không có giấy tờ trên và giao cho công ty bảo quản nguyên trạng đến khi có thông báo xử lý. Giám đốc Công ty cổ phần Rau an toàn Hà Nội Lê Văn Tú cho biết, các sản phẩm đồ khô của công ty đều xuất bán tiêu thụ tại chợ đầu mối, hầu hết thương lái chỉ quan tâm đến giá cả còn không quan tâm đến giấy tờ. Các mặt hàng nông sản, thực phẩm công ty đều thu mua của nông dân. Theo ông Tú, nền sản xuất nông nghiệp hiện nay nhỏ lẻ, phân tán nên một số nông hộ chưa chú trọng tới nguồn gốc, xây dựng thương hiệu để có tem nhãn.

Kiên quyết xử lý vi phạm

Khảo sát trên địa bàn thành phố, phần lớn hệ thống kho lạnh của doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, không có khu vực riêng cho từng loại mặt hàng khác nhau; không có kệ, hệ thống bốc xếp bằng máy móc; nhiều chỉ tiêu về kỹ thuật không ổn định... Vấn đề đặt ra, phải có biện pháp quản lý chặt chẽ từ nơi sản xuất, nuôi trồng và cửa khẩu nơi nông sản, thực phẩm. Để làm tốt nhiệm vụ này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đề nghị sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong kiểm tra chất lượng hàng hóa, điều kiện bảo quản nông sản, thực phẩm tại kho chứa của doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết thêm, các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp Hà Nội sau khi kiểm tra phát hiện sản phẩm của doanh nghiệp không bảo đảm ATTP sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm việc ghi nhãn, phân loại nông sản, thực phẩm từ các vùng sản xuất; sắp xếp riêng biệt sản phẩm đồ khô và đông lạnh trong kho chứa; kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị kho bảo quản nông sản, thực phẩm, đồng thời đánh giá xếp loại A, B, C. Sau khi nhắc nhở, doanh nghiệp phải tự đầu tư bổ sung đáp ứng yêu cầu khi bảo quản sản phẩm, nếu tái kiểm tra không đạt yêu cầu sẽ xử lý theo quy định. Cùng với đó, các ngành chức năng thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tiểu thương kinh doanh hàng hóa phải có nguồn gốc, người dân thay đổi cách tiêu dùng, chỉ mua những sản phẩm có tem nhãn, ghi rõ ngày tháng sản xuất và hạn sử dụng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.